Sinh viên được vay tối đa 2,5 triệu đồng/tháng để đóng học phí
Hàng nghìn đơn vị máu của giảng viên, sinh viên, người nổi tiếng được hiến tại ĐH Kinh tế Quốc dân |
9X bứt phá sau hai năm bỏ bê học hành |
Trang bị kỹ năng cho 200 cán bộ Đoàn, Hội và sinh viên |
Nâng mức vay tín dụng để phù hợp với việc tăng học phí
Những ngày qua, thông tin các trường đại học tăng học phí sau khi tự chủ khiến nhiều học sinh, sinh viên, phụ huynh lo lắng, đặc biệt với những gia đình ở nông thôn, không có điều kiện kinh tế. Việc tăng mạnh học phí từ 2-3 lần cũng kéo theo nỗi lo vấn đề học phí sẽ trở thành rào cản với những học sinh, sinh viên nghèo học giỏi.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, Chính phủ, Bộ GDĐT và các bộ ngành liên quan có nhiều chính sách để hỗ trợ sinh viên, đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội vào học đại học.
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Đây là chính sách để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, bao gồm: Tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.
Mức vốn cho vay tối đa là 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.
Đến năm 2019, sau khi Luật Giáo dục sửa đổi được Quốc hội thông qua, các trường đại học cũng sẽ tự chủ và được thu học phí cao hơn so với quy định hiện hành, được tăng theo lộ trình hàng năm.
Từ thực tế này, ông Bùi Văn Linh cho biết, Bộ GDĐT và Bộ Tài chính đã đề xuất nâng hạn mức tín dụng đối với học sinh, sinh viên để các em có thể trang trải được chi phí học tập khi học phí tăng.
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên. Ảnh: Bộ GDĐT |
Đồng ý với đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1656 về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, mức cho vay tối đa mới là 2,5 triệu đồng/tháng/người. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2019.
Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ căn cứ vào mức thu học phí, sinh hoạt phí và nhu cầu người vay để quyết định mức cho vay cụ thể. Người vay được trả nợ sau khi tốt nghiệp theo từng tháng và không dựa vào mức thu nhập người vay.
Lãi suất vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên hiện nay là 0,55%/tháng, 6,6%/năm (thực hiện theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 1.6.2015 của Thủ tướng Chính phủ).
Sinh viên sư phạm sẽ được miễn học phí, hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng
Ngoài ra với sinh viên sư phạm, theo ông Bùi Văn Linh, hiện Bộ GDĐT đang hoàn thiện dự thảo nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Quy định này sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.
Theo đó, học sinh, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi học sinh, sinh viên sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra sẽ được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Hiện tại, sinh viên, học sinh sư phạm mới chỉ được miễn học phí.
Tuy nhiên, sinh viên sư phạm sẽ phải cam kết một số điều kiện.
Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục với thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo (kể từ ngày được tuyển dụng) sẽ không phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.
Sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian theo quy định sẽ phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.