Sáp nhập nhiều huyện, xã đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả

Chiều 30/5, báo cáo giải trình về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện chủ trương này đã có 4 Nghị quyết của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, đến nay cơ bản các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã đầy đủ.
Sáp nhập Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc và Quy hoạch đô thị, nông thôn Huyện Mê Linh "gánh" 47 dự án dở dang sau 11 năm sáp nhập về Hà Nội
sap nhap nhieu huyen xa dam bao bo may hoat dong hieu qua
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quochoi.vn

Mục tiêu của đợt sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhằm tổ chức hợp lý các đơn vị cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy và phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tinh giản biên chế, thực hiện chính sách tiền lương mới vào năm 2021.

Về lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ thực hiện trong giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên, để sớm ổn định cho các đơn vị cấp huyện, xã tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ và các bộ ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch sắp xếp phải cơ bản hoàn thành trong năm 2019.

Đợt này, sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Qua xem xét phương án tổng thể chung của các địa phương đã gửi về Bộ Nội vụ cho thấy, các tỉnh đã ráo riết chỉ đạo khẩn trương lập đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, trong đó ngoài việc sắp xếp trong đợt này. Nhiều tỉnh khuyến khích việc sắp xếp thêm đơn vị ngoài quy định như tại Hòa Bình có 24 đơn vị hành chính cấp xã, Thanh Hóa, Hà Tĩnh có thêm 10 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích.

Nhiều địa phương đã tiến hành sắp xếp 3 đơn vị hành chính cấp xã thành 1 đơn vị cấp xã như Hà Tĩnh, Thái Bình... Sau khi sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã, huyện đã giảm, như Cao Bằng giảm 3/13 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 4/199 đơn vị hành chính cấp xã; Hòa Bình giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, 59 xã; Thanh Hóa giảm 76 xã...

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, khó khăn, vướng mắc nhất trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là số lượng lớn cán bộ công chức dôi dư, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý.

Nghị quyết 653 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 32 của Chính phủ cũng đã đề ra một số giải pháp giải quyết việc cán bộ công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp, tuy nhiên những giải pháp này chưa thực sự hấp dẫn để giải quyết chế độ. Vì vậy, Bộ sẽ tham mưu và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ ban hành một số chính sách giải quyết theo nhu cầu thực tiễn ở một số đơn vị địa phương đã được sắp xếp.

"Để đảm bảo đồng bộ, Bộ Nội vụ đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, các tổ chức chính trị- xã hội, MTTQ cần có hướng dẫn trong việc tổ chức sắp xếp các việc tương ứng cho phù hợp với đề án sắp xếp cấp huyện, xã”, ông Tân nói.

Về vấn đề quy định khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa để thành lập các tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện giao HĐND của tỉnh quyết định.

"Lần này đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương. Đây là vấn đề mới, phức tạp nên Chính phủ đã có nhiều cuộc họp. Để tạo sự đồng thuận giữa bộ, ngành trung ương, Chính phủ sẽ thảo luận và cho ý kiến việc sắp xếp đơn vị cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, huyện tại cuộc họp thường kỳ chiều mai 31/5", ông Tân nói.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, đến nay, có 4 tỉnh là Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai giảm 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 15 tỉnh thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm 185 phòng chuyên môn.

Lam Dương
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động