Quyết tâm kiềm chế, không để dịch bùng phát và lây lan
Hà Nội đủ năng lực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin quy mô lớn "Phơi mình" dưới trời nắng như đổ lửa bám chốt chống dịch tại cửa ngõ Thủ đô |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, sáng nay (22/7), Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,64%, cao hơn mức tăng cùng kỳ
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày báo cáo tại kỳ họp |
Báo cáo cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,64%, cao hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2020 (1,82%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chưa đạt yêu cầu đề ra, thấp hơn 0,58 điểm % so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và thấp hơn 0,28 điểm % so với mục tiêu kịch bản tăng trưởng của Chính phủ cập nhật tại thời điểm quý I.
6 tháng qua, thu hút FDI giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020. Số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm mạnh cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá theo mục tiêu dưới 4%.
Tính chung 6 tháng đầu năm lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế tăng so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi thấp hơn cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, quý II so với quý I, lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế đã giảm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tăng.
Báo cáo cũng nêu những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp cận các nguồn vacccine như: Ban hành chính sách về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19; Nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau; Xây dựng đề án về nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện; Thành lập Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vaccine, tiêm phòng miễn phí cho người dân.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định: Chiến lược vaccine của nước ta còn gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng vaccine còn thấp; Nguy cơ có thể lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.
Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh 8 giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, trong đó giải pháp đầu tiên là quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình; Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vaccine và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định; Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư.
Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh; Tăng cường thông tin tuyên truyền và kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch.
Các nhiệm vụ tiếp theo là tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược; Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu...
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch Covid-19, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất nặng nề, khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được; Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Chủ động xây dựng kịch bản cho mọi tình huống
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đồng tình với nhận định, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn.
Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Trong đó, đề nghị Chính phủ quan tâm tới các giải pháp: Xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; Kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể;
Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; Chuẩn bị cho khả năng phục hồi các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, xây dựng phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng; Thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ; Có biện pháp điều hành thu, chi ngân sách Nhà nước kịp thời; Xây dựng chính sách phù hợp, tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao; Xây dựng các đề án triển khai mở rộng thị trường và khai thác các lợi thế, lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do; Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh; Tiếp cận bình đẳng và đa dạng trong cung cấp vaccine, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực…