Ông giáo vùng biên - "người cha" của hàng trăm học sinh nghèo
Hành trình bám vùng biên "gieo chữ"
Để về thăm học sinh và ông giáo vùng biên trường Mo Ray, chúng tôi phải vượt gần 100km. Hơn 2h đồng hồ, chúng tôi đến thăm trường Tiểu học -Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp. Đây là ngôi trường ra đời muộn nhất ở huyện biên giới Sa Thầy. Trường được mở ra để đào tạo cho các con em công nhân của đang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế và bảo vệ biên giới do đơn vị Kinh tế Quốc phòng 78 (Công ty 78, thuộc Binh đoàn 15 BQP).
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Võ Hoàng Sơn (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Nhà trường có tất cả 31 giáo viên (bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên), 18 lớp học với 511 học sinh ở cả 2 cấp. Hầu hết các em học sinh đều là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương cũng như dân tộc thiếu số ở miền Bắc vào sinh sống.
Điều đặc biệt, nhà trường có nguồn giáo viên mới ra trường theo dạy hợp đồng. Họ đã và đang cống hiến tuổi xuân để mang con chữ đến với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.”
"Ông giáo vùng biên" trên đường đi đón học sinh trên trong rừng núi |
“Vì đây là xã biên giới nên những người giáo viên như chúng mình càng phải nhiệt huyết và quyết tâm. Các em học sinh ở đây chiếm 99,9% là người đồng bào dân tộc thiểu số với cuộc sống khó khăn, chính vì lý do đó nên cha mẹ các em cũng không muốn cho con đi học.
Nhằm đưa cái chữ đến với học sinh, các giáo viên nơi đây đã trèo đèo, vượt suối đến gõ cửa từng nhà, làm đủ mọi cách để vận động học sin ra lớp. Tính đến thời điểm hiện tại thì học sinh đã gần như là ổn định”, thầy Sơn bộc bạch.
Ngôi trường TH và THCS Võ Nguyên Giáp nằm trên xã vùng biên |
“Bên cạnh đó, những thiếu cơ sở vật chất - phương tiện dạy học, đồ dùng học sinh đều đi mượn trường khác về. Nhà trường còn thiếu phòng ở cho giáo viên, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt trầm trọng… Dù có khó khăn, vất vả thiếu thốn đến đâu thì chúng tôi, những người làm công tác giáo dục vẫn cứ động viên nhau, cùng nhau bám bản để "gieo chữ". Hơn hết là góp một phần công sức nhỏ bé để bảo vệ biên giới của Tổ quốc", thầy Sơn cho biết thêm.
Cha của những học trò nghèo vùng biên
Ở vùng biên khó khăn là vậy nên thầy và trò trường TH và THCS Võ Nguyên Giáp đã chung tay xây dựng mô hình kinh tế, có vườn rau, cây ăn quả, vài bụi măng, rồi nuôi thêm con gà, con vịt… Tất cả đều nhằm cải thiện bữa ăn của giáo viên và học sinh nơi đây.
Con đường gian khổ khi vào ngôi trường vùng khó này |
Ngoài những giờ dạy trên lớp, “ông giáo vùng biên” Võ Hoàng Sơn còn được biết đến với vai trò là cha của rất nhiều học sinh nghèo trên địa bàn xã. Khi được hỏi về những hoàn cảnh học sinh khó khăn, thầy Sơn cười rồi nói: "Hầu hết, những em học sinh của trường chúng tôi đều rất khó khăn về kinh tế, nên tập thể giáo viên nhà trường thường trích tiền lương ít ỏi của mình để giúp đỡ các em.
Cũng có một số trường hợp học sinh muốn đi học mà không có giấy tờ hợp pháp để đi học nên tôi chấp nhận "làm liều" nhận các em vào học trước rồi làm giấy tờ sau. Đó là trường hợp của 2 em Lý Văn Lộc và Bằng Văn An. Cả 2 em đều là người đồng bào Sán Dìu, theo gia đình vào làm công nhân cho Công ty cao su Duy Tân. Có một điều hết sức phấn khởi vì 2 em học sinh này sau khi được nhà trường tạo điều kiện đều có thành tích học tập rất tốt, đứng nhất, nhì trong trường".
Hình ảnh thầy Sơn cùng học sinh Y Thu (hình chụp trong lần đưa học sinh Y Thu đi khám tim tại Đà Nẵng). |
Được biết "ông giáo làng" cũng thường xuyên kêu gọi từ thiện như quyên góp quần áo, xin sách cũ… để giúp đỡ các em học sinh nghèo. Đặc biệt là hoàn cảnh của em Y Thu (học sinh lớp 5, đang theo học tại trường) người đồng bào dân tộc thiểu số Rơ Măm.
“Em Y Thu có hoàn cảnh hết sức khó khăn, hơn nữa lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Vì vậy tôi cũng như tất cả các giáo viên nhà trường đều giúp đỡ em, đồng hành cùng em để vượt qua căn bệnh. Tôi đã đưa Y Thu vào bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng khám và làm thủ tục… Dự kiến khi nào học sinh tôi mổ tim, tôi vẫn mong lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy tạo điều kiện cho phép tôi đưa học sinh mình đi”, thầy Sơn chia sẻ.
Nhiều thầy cô giáo bị mắc lầy nhưng không ngăn được hành trình "gieo chữ" ở vùng sâu |
Trên thực tế, công việc giảng dạy ở vùng biên viễn nói chung đều rất khó khăn và những khó khăn đó qua lời kể thầy và trò nơi đây cũng chưa diễn tả hết bằng lời.
Dù vậy, chúng tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc khi những học sinh nghèo vùng biên này có được những giáo viên tâm huyết, tình nguyện gắn cuộc đời với núi rừng. Họ là những con người dám chấp nhận rời xa quê hương, dám cống hiến tuổi xuân nơi miền biên giới của Tổ quốc… Để rồi cũng chính những người giáo viên ấy đã và đang ươm mầm hi vọng cho mai sau.