Nước sinh hoạt ô nhiễm, người dân có quyền được bồi thường
Hàng nghìn cư dân HH Linh Đàm vẫn phải dùng nước sinh hoạt nặng mùi chất tẩy Vụ án Bảo vệ đồng hồ nước sinh hoạt: Người mẹ già bị xử 8 tháng tù giam |
Những ngày gần đây, người dân tại nhiều khu chung cư trên địa bàn Thủ đô Hà Nội bày tỏ sự lo lắng khi nước máy sinh hoạt tại nhà họ có màu ngả vàng, mùi nồng hắc.
Cụ thể đến chiều 12/10, cư dân sống trong chung cư HH2C Linh Đàm, quận Hoàng Mai mở nước vẫn có mùi khét quện với mùi hắc như keo dán ống nhựa xộc thẳng lên mũi. Người dân cho biết, họ không rõ nước bị nhiễm chất gì nhưng mùi thế này thì không thể dùng được.
Cũng tại khu đô thị Linh Đàm, cư dân chung cư HUD3 phải bỏ tiền mua nước và chuyển bằng xe téc đến để cư dân dùng trong ăn uống. Một số người có con học tại Trường tiểu học Chu Văn An đã thống nhất với hội phụ huynh mua nước chở bằng xe téc đến trường để nấu ăn cho các con.
Tại cụm cơ khí 1A phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, nơi có khoảng 800 hộ dân, cuộc sống người dân cũng bị đảo lộn vì nước có mùi lạ ba ngày nay và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Được biết, nước sinh hoạt ở các quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và huyện Hoài Đức đều lấy từ nguồn cung cấp của Viwasupco. Đến giờ đơn vị sản xuất nước sạch sông Đà là Viwasupco vẫn im lặng, cơ quan chức năng TP Hà Nội thì nói ngày 13/10 có thể sẽ có kết quả phân tích mẫu nước.
Người dân ở Chung cư HH Linh Đàm mua nước sinh hoạt từ xe tec ngày 13/10. Ảnh Tất Định |
Chia sẻ lo lắng và bức xúc với người dân, PV Tuổi trẻ và Pháp luật đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Quang Tâm, Công ty Luật Phúc Quang về phương án giải quyết sự việc trên.
Theo đó, Luật sư cho biết, Điều 4 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch: Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (ăn uống, vệ sinh của con người) phải bảo đảm theo các quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Bộ Y tế ban hành quy chuẩn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Chất lượng nước sạch sử dụng chung cho mục đích sinh hoạt và các mục đích sử dụng khác phải bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật của nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Theo khoản 2 Điều 55 cùng Nghị định: Đơn vị cấp nước có các nghĩa vụ như tuân thủ các quy trình, quy phạm vận hành hệ thống cấp nước; xử lý sự cố, khôi phục việc cấp nước; bảo vệ an toàn nguồn cấp nước, xây dựng đới phòng hộ vệ sinh khu vực lấy nước, hệ thống công trình cấp nước theo quy định; Bảo đảm cung cấp dịch vụ cấp nước cho khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ theo quy định; Báo cáo đột xuất khi được yêu cầu và định kỳ theo quy định tới chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước ở địa phương và trung ương và các nghĩa vụ khác...
Luật sư nhận định, cần đợi kết quả từ UBND TP Hà Nội xem nước có bị ô nhiễm không, có ảnh hưởng sức khỏe không. Nếu có cá nhân, tổ chức nào đó có hành vi vi phạm làm ô nhiễm nguồn nước như xả chất thải sinh hoạt, công nghiệp…vào nguồn nước thì phải xem xét trách nhiệm của những đối tượng này. Trường hợp đơn vị cấp nước vận hành không đúng quy định dẫn đến lệch lạc, không xử lý kịp sự cố, khôi phục việc cấp nước thì cần xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan.
Nội dung Nghị định số 117/2007/NĐ-CP cũng nói rõ: Khách hàng có quyền được bồi thường thiệt hại do đơn vị cấp nước gây ra theo quy định của pháp luật, đơn vị cấp nước có nghĩa vụ bồi thường khi gây thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước theo quy định của pháp luật.
Do đó, nếu sự việc người dân dùng nước bẩn gây ảnh hưởng sức khỏe có nguyên nhân xuất phát từ lỗi của đơn vị cấp nước trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống cấp nước thì đơn vị cấp nước có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Trường hợp sự việc không phải do lỗi của đơn vị cấp nước mà do cá nhân, tổ chức khác có hành vi làm ô nhiễm nguồn nước, dù đơn vị cấp nước đã dùng mọi biện pháp để khắc phục sự cố nhưng vẫn cần thời gian nhất định để có nước sạch thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại là do cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm đó.