Nợ xấu của TPBank tăng mạnh, lên mức 1.175 tỷ đồng
"Soi" khối 46.000 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn ở các ngân hàng VAMC kế hoạch thu hồi 50.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2019 Nợ xấu giảm nhưng nợ khả năng mất vốn của BIDV lại lên mức 7.230 tỷ đồng |
Theo báo cáo tài chính, trong quý 1/2019, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ghi nhận thu nhập lãi thuần 1.284 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 933 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trong quý vừa qua, chi phí hoạt động của TPBank tăng lên mức 898 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 155 tỷ đồng.
Kết quả, quý 1/2019, TPBank ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế 852 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 513 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ thuế, ngân hàng còn lãi ròng 682 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2018.
Chiếu theo báo cáo tài chính, đến hết tháng 3/2019, TPBank có tổng tài sản 139.944 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khoản cho vay khách hàng chiếm tới 84.724 tỷ đồng, chứng khoán đầu tư 20.972 tỷ đồng; 19.121 tỷ đồng tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác và cho vay các tổ chức tín dụng khác.
![]() |
Tính đến cuối tháng 3/2019, nợ xấu của TPBank tăng lên mức 1.175 tỷ đồng, tăng 310 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. |
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 3/2019, nợ xấu của TPBank tăng lên mức 1.175 tỷ đồng, tăng 310 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản nợ nghi ngờ tới 406 tỷ đồng, nợ khả năng mất vốn là 326 tỷ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn là 442 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,11% lên mức xấp xỉ 1,39%.
Cùng thời điểm, TPBank ghi nhận khoản nợ tiền gửi của khách hàng tới 77.913 tỷ đồng; nợ tiền gửi và vay của các tổ chức tín dụng khác 36.198 tỷ đồng... Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của ngân hàng chỉ vỏn vẹn 11.342 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TPB của TPBank đang giao dịch xung quanh mức 23.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 5% so với thời điểm niêm yết.
Ngày 21/5 vừa qua, TPBank đã công bố Nghị quyết thông qua phương án mua lại lượng lớn cổ phiếu quỹ. Cụ thể, ngân hàng dự kiến đăng ký mua tối đa 24 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương ứng 2,8% vốn điều lệ. Chiếu theo mức giá thị trường hiện tại, ước tính, TPBank sẽ phải chi ra xấp xỉ 574 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ lần này. Nguồn vốn thực hiện các giao dịch sẽ lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018).
Trong một diễn biến khác, mới đây, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) vừa có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM báo cáo kết quả thoái vốn cổ phần tại TPBank lần thứ 3.
Theo đó, từ ngày 11/4 đến ngày 10/5/2019, MobiFone đã bán thành công toàn bộ 7,11 triệu cổ phần tại TPBank theo phương thức thỏa thuận và phương thức khớp lệnh liên tục trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.
Theo thông báo, hơn 7,11 triệu cổ phần tại TPBank của MobiFone được bán với giá khởi điểm 21.350 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền thu về là hơn 153 tỷ đồng. Hiện sau khi thoái vốn thành công, MobiFone không còn nắm giữ cổ phần nào TPBank.