Những cung bậc Tết của người Việt ở xứ sở Mặt trời mọc

Đón xuân nơi xứ lạ, hương vị bánh chưng nồng ấm, màu cờ tổ quốc đỏ rực, cành mơ lơ thơ những nụ trắng ngần… nâng đỡ tâm hồn những người con xa xứ dẫu họ có nhiều hân hoan hay một thoáng chút buồn.
Hoa lạ đắt hàng cả ngày mồng Một Tết Chậu đào cổ hình rồng giá hơn một tỷ đồng Check in với hoa đào: Cách đón chào Tết của giới trẻ Hà thành Ký ức Tết Việt với du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc

Những nốt thăng vui

Từ anh kĩ sư phần mềm tới chị công nhân xuất khẩu lao động hay em du học sinh vừa học vừa làm đều khẳng định: Tết của người Việt ở Nhật bây giờ đầy đủ lắm. Muốn bánh chưng, có bánh chưng. Muốn giò, có giò. Muốn gà nguyên đầu làm cỗ cúng, cũng tìm được nơi mua. Nải chuối, nén hương hay loại hoa giống như hoa đào, hoa mai đón Tết ở Việt Nam đều có thể tìm mua đủ cả.

Những cung bậc Tết của người Việt ở xứ sở Mặt trời mọc
Mâm cúng Tết do nhóm người Việt ở Zama chuẩn bị

Anh Mạnh Tuấn (kĩ sư điện của công ty Nissan Techno), người sống tại thành phố Zama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản 3 năm có lẻ khoe bức ảnh mâm cúng Tết chẳng khác mấy so với quê nhà.

Thay cho bàn thờ gia tiên là lá cờ tổ quốc cùng với tấm ảnh Bác Hồ. Một ai đó khéo tay đã viết đôi câu đối “Cung Chúc Tân Xuân - Vạn Sự Như Ý” và cắt đôi hạc thờ bằng bìa giấy vàng. Mâm cỗ cúng đầy đủ từ gà luộc, chả nem, giò, bánh chưng, mâm ngũ quả, thịt đông, canh măng, rau củ xào ngũ sắc… Dẫu thiếu đào mai nhưng có hoa mơ tần ngần khoe sắc trắng bên cúc vàng, thược dược.

Những cung bậc Tết của người Việt ở xứ sở Mặt trời mọc
Người Việt thường tập trung theo nhóm cộng đồng để cùng chuẩn bị đón Tết truyền thống

Anh Tuấn cho biết, tại Zama, công ty anh có 16 người Việt đều sống tại kí túc xá. Cứ đến giao thừa, mọi người lại tụ tập ở một phòng rộng nhất để cùng nhau ăn uống, vui chơi và mở chương trình đón Tết ở Việt Nam. Mọi người sẽ cùng nhau nâng ly, đón giao thừa vào đúng 12 giờ đêm ở Nhật (10 giờ Việt Nam). Sau đó đến gần giao thừa ở Việt Nam thì giải tán để còn gọi điện cho gia đình. Ngày mồng 1, mọi người thường cùng nhau làm cỗ cúng, chuẩn bị đồ ăn cho tiệc tất niên buổi tối.

“Mấy năm nay, vùng Kanagawa đông người Việt, mọi người thường tụ tập thành nhóm lớn, mượn hội trường để tổ chức các hoạt động đón Tết Dương, Tết âm. Có rất nhiều gia đình và trẻ con. Mọi người cũng lì xì cho nhau và dạy con trẻ về cái Tết truyền thống cũng như văn hóa đón Tết của người Việt”, anh Tuấn chia sẻ.

Những cung bậc Tết của người Việt ở xứ sở Mặt trời mọc
Những điều ước vui của người Việt khi đón Tết cổ truyền tại Nhật Bản

Anh Tuấn vẫn nhớ nguyên xi cảm xúc ngày cả nhóm kéo đến nhà đồng nghiệp người Nhật - ông Nemoto Yutaka - để cùng gói bánh chưng. Ông Nemoto và vợ - chị Atsuco cùng ba cậu con trai đã vô cùng thích thú khi bắt tay vào chuẩn bị từng khâu gói bánh chưng. Sau khi gói xong bánh, ông Nemoto định luộc bánh chưng trong nồi ủ theo thói quen tiết kiệm của người Nhật, anh Tuấn phải giải thích lại là luộc bánh chưng cần sôi ùng ục thì bánh mới rền, ngon.

Những cung bậc Tết của người Việt ở xứ sở Mặt trời mọc
Những đứa trẻ Nhật hân hoan chuẩn bị lá dong gói bánh chưng

“Mình đã mê Tết Việt rồi mà chia sẻ được với một người Nhật để họ cũng mê và muốn tìm hiểu Tết của người mình còn tuyệt vời hơn”, anh Tuấn chia sẻ.

Những cung bậc Tết của người Việt ở xứ sở Mặt trời mọc
Vợ chồng người Nhật ông Nemoto - chị Atsuko và ba con bên chồng bánh chưng truyền thống Việt Nam

Với anh Hoàng Duy, kĩ sư FPT sống tại Osaka 5 năm thì cái Tết truyền thống là thời gian khám phá bản ngã và đi du lịch. Anh cho biết, ở Osaka, cộng đồng người Việt không đông như ở Zama nên không có nhiều hoạt động chung. Ở một mình nên anh không bày vẽ. Ngoài việc gọi điện thoại cho gia đình đúng lúc giao thừa thì anh thường xin nghỉ phép đúng ngày mồng một Tết để đi chùa và đi thăm thú các công viên ở gần nơi anh sống.

“Đó là những khoảnh khắc tĩnh tại để suy ngẫm về một năm qua và một năm sắp tới. Năm nay mình đã cưới vợ và sẽ đón Tết cùng gia đình ở Việt Nam, chắc chắn sẽ rất bận rộn và có khi lại nhớ Tết Nhật cũng nên”, anh Duy đùa.

Bạn Mai Hương, du học sinh vừa học vừa làm sống tại Gifu gần Nagoya thì chia sẻ: “Ở xứ người cái gì cũng khác. Nhưng vui nhất là có cộng đồng người Việt mình bên đó. Những người Việt nơi đất khách giúp mình nhanh thích nghi với cuộc sống bên này hơn. Chính vì vậy, cái Tết mọi người thường tụ lại bên nhau để làm bánh chưng, nấu nướng, liên hoan. Vì đi làm thêm nên chúng em rất khó xin nghỉ cùng một lúc nhưng vẫn sắp xếp để có thời gian ăn Tết, bớt nỗi nhớ nhà và người thân”.

Một thoáng trầm buồn

Khi được hỏi về nỗi nhớ quên hương nơi viễn xứ khi Tết đến, Xuân về, anh Duy bảo có lẽ sống mãi thành quen. Cái nỗi nhớ nhà ở cái Tết năm thứ năm cũng không còn da diết như năm đầu tiên nữa.

Anh Tuấn thì cười bảo rằng, một năm anh về bốn lần, Tết Dương lịch được nghỉ đã về Việt Nam rồi. Công ty có chế độ nếu đi công tác dài hạn, mỗi năm được về thăm nhà một lần hoặc đón người nhà sang chơi một lần nên nỗi nhớ nhà khi Tết đến không quá khủng khiếp. Chỉ có đôi chút tiếc nuối không khí phố phường chuẩn bị Tết từ ngày ông Táo chầu trời hay việc đi mua bán chuẩn bị cái Tết cho gia đình.

Còn bạn Mai Hương thì chia sẻ, ba năm vừa học vừa làm là ba năm quay cuồng với các việc làm thêm từ nhà xưởng, nhà hàng mì, ở cửa hàng 24h và rất nhiều công việc khác, không được về nhà. Khi bận rộn quá thì quên cả nỗi nhớ nhà. Chị em còn đùa nhau đi du học thoát món nợ cỗ bàn, tất niên, giao thừa… Nhưng rồi đến buổi tối cuối năm, gọi điện về nhà, khi mặt đối mặt với mẹ cha lại nhoi nhói ở tim, nuốt ngược giọt nước mắt vào trong và chỉ nói với bố mẹ rằng con nhớ mọi người.

Người Việt Nam ở đâu cũng vậy, hầu như đều giữ thói quen đi lễ đền, chùa vào ngày đầu năm. Thế nên vào mỗi dịp Xuân về, sư cô Thích Tâm Trí và hoà thượng Yoshimizu Daichi - trụ trì chùa Nisshinkutsu (Tokyo) đều tổ chức Lễ cầu an cho tất cả mọi người. Ít người biết rằng, tại đây có tới hơn 200 bài vị đã được dựng trên bàn thờ ghi nhận lặng lẽ những lao động, du học sinh Việt Nam qua đời tại Nhật Bản. Ngày Tết đến, chẳng còn tử biệt với sinh ly, chỉ còn lại nén nhang thơm của những người đồng hương đến thắp, tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã khuất.

Huyền My
Phiên bản di động