Những cái chết trong xe: Sốc nhiệt và phòng ngừa

Ánh nắng mặt trời mang các tia bức xạ xuyên qua kính làm nóng các bộ phận bên trong xe biến xe thành một lò nướng. Một người khi bị kẹt trong cái lò nướng như vậy, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao liên tục tạo nên tình trạng sốc nhiệt. Sốc nhiệt gây tổn thương và chết tế bào ở hầu hết cơ quan trong cơ thể. Sốc nhiệt kéo dài, bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê và tử vong.
Toàn cảnh vụ bé trai lớp 1 trường Gateway bị bỏ quên trên ôtô thế nào? Chuyên gia y tế cảnh báo về "Những cái chết trong xe" Trường quốc tế tại Việt Nam được quy định như thế nào?

LTS: Mới đây, trên mạng xã hội, BS Trương Hoàng Hưng (Texas, Mỹ) đã có một bài viết dài cảnh báo về những cái chết trên xe của trẻ em để các bậc cha mẹ nhận biết về nguy cơ mà phòng tránh. Tuổi trẻ và Pháp luật xin đăng nguyên bài viết của chuyên gia y tế này.

"Sốc nhiệt trong xe (Vehicular Heat Troke)

Trong tiếng Anh có cả cụm từ sốc nhiệt trong xe vì đây là những tai nạn rất hay gặp.

Khi đóng cửa tắt máy ngoài trời nắng, nhiệt độ trong xe sẽ tăng rất nhanh tới khoảng gấp rưỡi nhiệt độ bên ngoài trong vòng 60 phút sẽ đạt mức tối đa, chỉ cần trong 10 phút là đã tăng cao hơn môi trường 3-6C, tăng 80% trong vòng 30 phút đầu và tối đa sau 60 phút.

Một ngày nắng nóng 35-36C, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 50-60C.

nhung cai chet trong xe soc nhiet va phong ngua
Nhiệt độ xe tăng gấp rưỡi so với ngoài trời trong một thời gian ngắn sau khi đóng cửa, tắt máy

Khi xe đậu ngoài trời, nhiệt độ trong xe tăng chỉ một phần nhỏ là từ thân xe mặc dù sờ vào rất nóng mà chủ yếu là do hiệu ứng nhà kính chủ yếu qua kính trước của xe.

Ánh nắng mặt trời mang các tia bức xạ xuyên qua kính làm nóng các bộ phận bên trong xe như dashboard phía trước, nệm xe, tay lái… Các bộ phận này sau đó làm nóng không khí trong xe. Không khí nóng trong xe bị nhốt lại trong xe và không phát tán ra ngoài được. Quá trình này cứ tiếp tục tiếp diễn như vậy, nội thất xe càng màu càng tối thì càng nóng, nệm da thì nóng hơn nệm nỉ. Nói nôm na thì cái xe lúc này không khác cái lò nướng dùng năng lượng mặt trời là bao nhiêu.

Vì vậy chết trong xe là chết nướng chứ không phải chết ngạt.

Chính vì điều này mà khi nhiều người hiểu lầm cho rằng chỉ có những ngày trời nóng mùa hè mới có thể bị sốc nhiệt trong xe. Thật ra không cần quá nóng, chỉ cần nắng. Nếu thời tiết ở ngoài khoảng 60F (15 độ C) thì nhiệt độ trong xe có thể lên tới 105 độ F (40.5 độ C) do hiệu ứng nhà kính này.

Trong một ngày nắng nóng 90 độ F (32 độ C), nhiệt độ trong xe có thể tăng tới 125 độ F (50 độ C) trong vòng 20 phút.

Hé mở kính xe không làm giảm nhiệt độ trong xe đáng kể, chỉ khoảng 1 độ C.

Chính vì vậy mà khi đậu xe trong garage hay bóng râm, nhiệt độ trong xe cũng chỉ tương đương hoặc cao hơn chút ít so với môi trường bên ngoài thôi.

Một người khi bị kẹt trong cái lò nướng như vậy, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao liên tục theo nhiệt độ trong xe khi cơ thể thải nhiệt không kịp (mà thải vào đâu?) và tạo nên tình trạng sốc nhiệt.

Sốc nhiệt được định nghĩa là tình trạng nhiệt độ cơ thể cao hơn 40 độ C và kèm theo rối loạn về thần kinh.

Sốc nhiệt có 2 loại chính: liên quan tới vận động thể lực (Exertional Heat Stroke ESH) và không liên quan tới vận động thể lực (Non Exertional Heat Stroke NEHS).

ESH là sốc nhiệt gặp ở các vận động viên trong những ngày nắng nóng khi cơ thể tăng sinh nhiệt do vận động (có thể cao tới 10 lần so với trạng thái nghỉ ngơi) cộng với nhiệt độ môi trường cao.

NEHS là loại sốc nhiệt hay gặp ở người già, người có bệnh mãn tính, trẻ em, là những người có khả năng điều nhiệt kém.

Cả 2 loại đều rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Khi nhiệt độ cao tới 40 độ C cơ thể bắt đầu rối loạn chuyển hoá, da đỏ và khô, ngưng tiết mồ hôi, cơ chế điều nhiệt mất tác dụng. Sau đó nếu nhiệt độ càng tăng cao tới khoảng 42 độ C (107 độ F), sẽ bắt đầu kích phát quá trình gây chết tế bào. Sốc nhiệt mô phỏng cơ chế bệnh sinh của sốc nhiễm trùng, tiết ra các hoá chất trung gian trong quá trình viêm, gây ra hội chứng viêm cấp tính hệ thống (SIRS), tổn thương đa cơ quan (MODS).

Sốc nhiệt làm tổn thương và chết tế bào ở hầu hết cơ quan trong cơ thể, bao gồm gan, tim, thận, não, cơ,... Bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê và tử vong.

Trẻ em rất dễ bị sốc nhiệt vì cơ chế điều hoà nhiệt còn kém do tiết mồ hôi không tốt, tốc độ chuyển hoá cao, chưa biết cách thoát hiểm. Tốc độ tăng thân nhiệt của trẻ em nhanh gấp 3-5 lần so với người lớn. Chỉ cần một thời gian ngắn tính bằng phút sau khi nhiệt độ tăng cao là có thể bị sốc nhiệt, trẻ càng nhỏ càng nguy hiểm.

Ở Texas, để con một mình trong xe hơn 5 phút bị coi là phạm pháp.

Hầu hết trẻ chết trong xe là < 3 tuổi (87%), nhưng có thể xảy ra từ lúc mới sinh tới 14 tuổi (1%)

Có mẹ hỏi con sốt 40 độ C thì bị sốc nhiệt hả bác sĩ? Không có đâu nha, chỉ sốc nhiệt nếu nhiệt độ này kéo dài và cao hơn nữa, đừng quá lo lắng.

Từ trong nhà bước ra trời nóng cũng không sốc nhiệt được. Nhiệt độ ngoài trời tuy nóng nhưng không làm tăng thân nhiệt tới mức đó, hơn nữa cơ thể vẫn tự điều chỉnh. Sốc nhiệt là nhiệt độ cơ thể tăng cao và kéo dài chứ không phải là thay đổi qua lại là sốc. Nếu thay đổi giữa phòng lạnh và bên ngoài mà sốc nhiệt, chắc bên Texas người ta chết như rạ vì sốc nhiệt hết rồi.

Nằm phòng máy lạnh cũng không gây viêm phổi như người ta đồn.

Nguyên nhân bị kẹt trong xe

- Hơn phân nửa là bị bỏ quên (53%)

- Tự chui vào mà không ra được (26%)

- Bị cố tình bỏ quên trong xe (19%), đây là một dạng bạo hành

- Không rõ nguyên nhân (1%)

Khi tôi chưa tìm hiểu, tôi tự nhiên cho rằng đây là những ông bố bà mẹ đãng trí xấu xa, nhưng thực ra không phải vậy. Đúng là có những người đãng trí vô trách nhiệm, bỏ con trong xe rồi đi shopping hay đánh bạc cả ngày mà không nhớ. Tuy nhiên một nửa trường hợp bỏ quên xảy ra với những bậc cha mẹ tốt và cực kỳ có trách nhiệm, họ là bác sĩ, luật sư, nhà khoa học, doanh nhân, công nhân,kỹ sư,… Những trường hợp này cha mẹ bỏ quên con mà không hề biết là con đang trong xe của mình (unknowingly).

Đó là khi bạn hành động theo quán tính, bạn có nhớ khi nào bạn tự nhủ là phải tạt ngang cửa hàng để mua một món gì trên đường về nhà từ chỗ làm, rồi sao đó bạn lên xe, suy nghĩ miên man và lái về nhà theo quán tính mỗi ngày và quên hẳn món món đồ cần mua. Đứa nhỏ bị bỏ quên là món hàng đó.

Ngày thường mẹ là người đưa con đi học, hôm nay mẹ bận bèn nhờ ba đưa đi. Trên xe trẻ nhỏ hay ngủ, nằm trên ghế an toàn phía sau và quay ra sau nên không có giao tiếp vì với cha. Người cha lái xe theo quán tính tới chỗ làm như mọi ngày, sau đó đóng cửa xe bỏ lại đứa con đang say ngủ kia và vào làm việc mà không hề biết là con mình đang trong xe.

Có những người nhìn ảnh con trên bàn làm việc, tán gẫu về con với đồng nghiệp cả ngày mà không hề nhớ là con mình đang trong xe của mình, cứ nghĩ là vợ/chồng đã đưa đi học, còn người kia thì cứ đinh ninh người này đã đưa con đi học.

Nói như vậy để nhắc nhở rằng đừng nghĩ là mình là cha mẹ tốt, sẽ không bao giờ bỏ quên con, nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Trường học bên Mỹ có quy định rất nghiêm ngặt về chuyện này. Tài xế xe đưa đón học sinh khi đưa học sinh tới trường sẽ phải thực hiện child check-mate, khi tắt máy xe sẽ có tiếng chuông reo. Tài xế phải đi từ đầu xe đến cuối xe để kiểm tra và tắt chuông ở cuối xe để chắc chắn không còn trẻ nào trên xe.

nhung cai chet trong xe soc nhiet va phong ngua
Cha mẹ tốt đôi khi cũng bỏ quên con trên xe mà không hề biết là con đang trong xe của mình

Ở Mỹ đã có trẻ bị bỏ quên và chết trên xe đưa rước học sinh chưa? Đã có xảy ra nhiều lần chứ không phải 1 lần. Vào ngày 11/9/2015, 1 học sinh 19 tuổi bị tự kỷ đã bị bỏ quên trên xe bus 9 giờ và tử vong tại thành phố Whittier, CA. Sau đó tiểu bang CA đã ra luật trang bị check-mate cho xe đưa rước học sinh trong bang vào tháng 9/2016. Sau này có nơi còn có cả cảm ứng chuyển động trên xe nữa. Các trường hợp bị bỏ quên trên xe bus thường do ngủ quên hay quá thấp và tài xế không nhìn thấy từ phía trước xe.

Khi con bạn vắng mặt, trường học sẽ gọi báo cho bạn và để lại tin nhắn nếu bạn không trả lời. Có trường thì dùng hệ thống tin nhắn, ở El Paso nơi tôi ở trước đây, họ chu đáo tới nỗi gửi tin nhắn bằng tiếng Việt phòng khi cha mẹ không biết tiếng Anh.

Các biện pháp phòng ngừa

- Không bao giờ để trẻ trong xe 1 mình, cho dù là 1 phút. Luôn khoá tất cả cửa xe, không để chìa khoá xe trong tầm tay trẻ. Tập thói quen kiểm tra băng ghế sau trước khi khoá xe.

- Nhắc nhở: khi có con nhỏ trong xe, nên để túi xách, điện thoại phía sau nhằm nhắc nhở con đang trong xe. Để một chú gấu bông lớn trong xe ở băng trước khi con đang ở trong xe.

- Cẩn thận trong những ngày có thay đổi trong lịch trình thường lệ, kì nghỉ, có việc buồn.

- Nếu con mất tích, ngay lập tức tìm kiếm toàn bộ xe vì trẻ có thể tự chui vào và bị khoá.

- Có quy tắc kiểm tra với nhà giữ trẻ, trường học, bảo mẫu về việc đưa đón và thông báo tình hình hiện diện của trẻ.

- Nếu thấy trẻ con trong xe một mình, tìm cách đem ra ngoài ngay lập tức và gọi cấp cứu.

- Dạy con kỹ năng tồn tại trong trường hợp bị bỏ quên trong xe: dùng kèn xe, đèn khẩn cấp, phá vỡ kiếng, mở cửa xe,…

Đây là một câu chuyện thương tâm, qua câu chuyện này, hy vọng chúng ta cảnh giác hơn và các trường học ở Việt Nam sẽ nghiêm túc xem xét áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn trong việc đưa rước học sinh nhằm tránh các sự việc tương tự.

BS Trương Hoàng Hưng
Phiên bản di động