Nhọc nhằn nghề hái “lộc trời”
Khoảng tháng 12 đến tháng 2 (dương lịch) là mùa người dân bản địa đổ xô lên rừng để hái những cây đót nở rộ. Vào mùa này, bà con vùng cao các huyện Kon Rẫy, Kon Plong (Kon Tum) đã dừng công việc ngày mùa để vào rừng đi hái đót, kiếm thêm thu nhập tiêu Tết.
Bắt đầu từ tháng 12, nhiều bà con đồng bào rộn ràng lên núi hái cây đót về bán kiếm tiền mua sắp tết |
Theo kinh nghiệm của những người đi hái đót, thời gian đót trổ bông thường khoảng từ 30 đến 45 ngày, nên muốn kiếm cơm từ thứ “lộc trời” này phải chạy đua với thời gian. Trên hành trình đi hái đót, ông Đinh Văn Hành (42 tuổi trú tại thôn 4, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) đã vượt qua dãy Trường Sơn, rồi bám vào các vách đá hiểm trở để hái được những bông đót.
Ông Hành chia sẻ: “Khi vụ mùa cà phê xong cũng là lúc những bông đót nở, nên tôi và các con phải tranh thủ đi kiếm đót. Năm nay giá đót cũng cao hơn năm ngoái một chút, nhưng đổi lại đót cũng khan hiếm nên tôi phải leo lên những vách đá hay vào tận rừng sâu mới có những cây đót lớn…”.
Mỗi mùa thu đót, người dân bản địa kiếm được cả chục triệu |
“Tính ra, mỗi ngày tôi cũng kiếm được 350.000 đến 400.000 đồng. Những hôm chịu khó đi sớm, về khuya thì khá hơn. Tuy nhiên, nghề hái đót cũng nguy hiểm lắm. Rắn rết nhiều, lại thêm đót thường mọc ở vách đá, bờ suối nên không cẩn thận là mất mạng như chơi…”, ông Hạnh cho biết thêm.
Dù đang còn nhỏ nhưng Em Đinh Thị Thuận (12 tuổi, xã Đăk Ruồng) đã dẫn theo em 5 tuổi của mình để vào rừng hái đót. Em Thuận chia sẻ: “Tranh thủ những ngày Chủ Nhật, em lại đi quanh nhà để kiếm đót về bán mua sách vở, quần áo Tết. Hồi nhỏ em cũng hay theo cha đi vào rừng hái đót nên giờ em cũng biết chỗ nào đót nhiều. Những chỗ nguy hiểm thì nhờ người lớn hái còn em hái những cây nhỏ thôi. Mỗi ngày em bóc nhanh cũng được gần 30kg đót để đưa cho bố bán...”.
Người dân đi hái đót |
Trao đổi với chúng tôi, bà Cao Thị Hồng (Thương lái mua đót, tại thôn Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cho biết: “Hiện nay, đót có giá khoảng 7.000 đồng/kg. So với năm ngoái thì đót năm nay tăng lên khoảng 2.000 đồng/kg, nhưng đổi lại thì đót hiếm và nhỏ hơn. Trung bình cứ 1 kg đót tươi, sau khi phơi còn khoảng 4 lạng đót khô. Đót khô sẽ có giá khoảng 19.000 đến 20.000 đồng/kg…”.
Không chỉ những người đi bóc đót, người đi phơi đót thuê cho thương lái cũng tấp nập vào vụ. Việc phơi đót thuê đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương với thu nhập 150.000 đồng/người/ngày.
Khi mặt trời bắt đầu khuất sau dãy núi cũng là lúc người dân trở về nhà sau một ngày hái đót vất vả. Vợ chồng anh A Tâu (Đăk Ruồng) bộc bạch: “Hôm nay, hai vợ chồng tôi đã có hơn 300.000 đồng mua thức ăn cho gia đình, mua thêm ít bánh quà cho con và còn dành dụm được chút ít. Cây đót bán được giá, bà con dân bản sẽ có tiền mua sắm những thứ cần thiết trong những ngày cận Tết. Tối đến, tôi lại tranh thủ bó thêm chổi để kiếm thêm thu nhập cao hơn…”.
Các em học sinh cũng tranh thủ đi hái đót kiếm thêm thu nhập |
Tuy nhiên, cây đót ở vùng Tây Nguyên hiện vẫn còn là cây mọc tự nhiên, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả. Chính vì vậy, việc thu hoạch đót còn mang tính tự phát, chưa có định hướng để người dân khai thác mang lại giá trị cao hơn...