Nhiều kênh Youtube tại Việt Nam từng bị "tuýt còi" vì nội dung xấu
Nguy hiểm "rình rập" trẻ trên thế giới ảo
Việc tiếp cận với Internet giờ đây rất đơn giản, chỉ cần có một chiếc smartphone và một kết nối Wi-Fi, 3G, 4G là trẻ em có thể truy cập Internet. Những trẻ em nhỏ tuổi thường xem phim hoạt hình, clip ca nhạc thiếu nhi. Trẻ lớn tuổi hơn thì vào các trang game online, mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo, và thậm chí một số trẻ cá biệt có thể vào các trang web đen.
Ngoài việc bị tiêm nhiễm bởi các nội dung độc hại, trẻ em còn có thể bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ khi kết bạn trên mạng xã hội.
Nhiều trẻ em thành miếng ngồi ngon cho các đối tượng quen qua mạng xã hội
Đã có rất nhiều trường hợp các em gái bị lừa bán sang bên kia biên giới hoặc bị xâm hại tình dục sau khi kết bạn với đối tượng xấu trên mạng xã hội. Trên thế giới, 15 trẻ đã tự tử khi lên mạng xã hội tham gia vào trò chơi “Cá voi xanh” (Trò chơi khuyến khích các thành viên tự gây đau đớn cho cơ thể và ở mức độ cao nhất là tự sát).
Ngoài ra, khi tham gia mạng xã hội, các em cũng có thể trở thành đối tượng bị "bắt nạt" trên mạng xã hội. Đã có trường hợp một em gái đã tìm đến cái chết khi bị ghép ảnh làm nhục trên Facebook.
Trẻ em cũng có thể trở thành đối tượng bị hacker, virus tấn công khi vào các trang web để tải ứng dụng hoặc trò chơi. Từ đó, thiết bị do các em sử dụng lại trở thành nguồn lây nhiễm mã độc cho bạn bè và thành viên trong gia đình.
Đằng sau màn hình led có thể là mối nguy hiểm. Ảnh minh họa
Khi trẻ em trở nên nghiện Facebook hoặc nghiện trò chơi online thì mối nguy hại thấy rõ là hại sức khỏe. Nguy cơ lớn hơn là sao nhãng học hành, thậm chí có thể đánh cắp tiền của bố mẹ để ra quán Internet chơi game. Trẻ em rất dễ bị lộ thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ khi nói chuyện trên mạng xã hội. Những thông tin này rơi vào tay kẻ xấu sẽ khiến các em bị quấy rối hoặc bắt nạt, "ném đá", thậm chí là bị hãm hại.
Nhiều kênh Youtube tại Việt Nam có nội dung độc hại
Trên mạng có rất nhiều trang web độc hại, có nội dung xấu ảnh hưởng cực kỳ không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Chính vì trẻ em là đối tượng có nhiều thời gian nhàn rỗi nên các kênh YouTube hướng tới đối tượng trẻ em thường thu hút rất nhiều lượt xem. Nếu những YouTuber này làm các video lành mạnh thì không sao, nhưng nếu các video có nội dung xấu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em.
Hai nhân vật hoạt hình trẻ em bị "biến thể" thiếu trong sáng
Đơn cử như trường hợp gần đây cơ quan quản lý đã phát hiện ra một kênh YouTube do một đơn vị của Việt Nam lập ra, họ đã sản xuất các video clips có nhân vật Spiderman và Elsa – vốn là các nhân vật hoạt hình dành cho trẻ em nhưng lại có những hành động của người lớn rất phản cảm. Vì đây là các nhân vật hoạt hình của trẻ em nên chắc rất nhiều đứa trẻ đã xem đi xem lại các clip này.
Cũng có thể kể tới 3 kênh YouTube của Nguyễn Thành Nam với số lượng người đăng ký cũng lên đến gần 3 triệu. YouTuber Nguyễn Thành Nam đã từng bị công an triệu tập vì làm một video giả khủng bố IS đi đặt bom tại các địa điểm công cộng.