Nhiệt độ ngoài trời lên tới 46 độ C, cẩn thận đột quỵ và sốc nhiệt
[Infographics] Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng Người Hà Nội muôn màu đối phó với nắng nóng Chỉ số tia UV tại Hà Nội đang ở mức cực kì nguy hiểm |
PGS, TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ mà nó chỉ là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…
“Nóng quá gây căng thẳng, thậm chí quên uống thuốc, quên đi khám... làm cho người bệnh tình trạng bất ổn tăng lên. Đó chính là lý do đột quỵ, cũng như các bệnh mãn tính khác, gia tăng trong thời tiết nắng nóng”, TS Chi nói.
Trong đợt nắng nóng giữa tháng Tư, đã có nhiều nạn nhân nhập viện vì đột quỵ do nắng nóng.
Nhiệt độ ngoài trời lên tới 46 độ C, đi đường cần che chắn kĩ |
Theo các bác sĩ, trong thời tiết mà nền nhiệt độ cao như hiện nay, cần phân biệt rõ các biểu hiện của sốc nhiệt và đột quỵ do nắng nóng.
Khi bị sốc nhiệt, bệnh nhân sẽ kích thích vật lộn, thân nhiệt tăng cao, dấu hiệu mất nước, đau đầu, nôn mửa. Ngoài ra, nạn nhân có các triệu chứng rối loạn tim mạch, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh trung ương… Yếu tố nguy cơ do bệnh nhân làm việc trong điều kiện nắng nóng, ngoài trời mùa hè.
Còn dấu hiệu của đột quỵ là người bệnh sẽ bị liệt mặt 1 bên, yếu tay chân 1 bên, bất thường ngôn ngữ, mất thị lực 1-2 bên, mất thăng bằng…
Việc phân biệt này là để áp dụng sơ cứu và cấp cứu đúng cho nạn nhân. Khi nạn nhân bị sốc nhiệt, biện pháp sơ cứu đúng là đưa nạn nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo, chuyển tới nơi bóng râm. Cho nạn nhân uống nước mát nếu như nạn nhân uống được. Nếu nạn nhân mất ý thức, không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR).
Còn nếu bị đột quỵ, cần đưa vào viện cấp cứu càng sớm càng tốt để tranh thủ 6 giờ vàng để cứu đột quỵ. Khi cấp cứu nạn nhân đột quỵ do nắng nóng, không nên cố gắng cho nạn nhân uống nước, uống thuốc vì có nguy cơ gây sặc rất nguy hiểm.
Vào những ngày này, để phòng nắng nóng, sốc nhiệt Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân:
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể…
- Những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.
Đặc biệt, thời điểm 12 - 16 giờ là nhiệt độ cao nhất do vậy không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này. Bởi khi cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.
Đồng thời, cần đảm bảo uống đủ nước, chuẩn bị các phương tiện bảo hộ nhằm giảm bớt tác động của nhiệt và tia tử ngoại, môi trường làm việc cần đảm bảo thông thoáng, kiểm soát môi trường lao động.