Nha khoa Quốc tế Việt Pháp: Phụ nữ mang thai vẫn có thể tiêm thuốc tê mài răng

Dịch vụ nha khoa "nở rộ" theo nhu cầu làm đẹp, thế nhưng trình độ của đội ngũ nhân viên, bác sỹ tại các phòng khám liệu có tỉ lệ thuận với chi phí khách hàng bỏ ra?

Ngày 21/01/2019, PV Tuổi trẻ Pháp luật (trong vai khách hàng) có mặt tại cơ sở Nha khoa quốc tế Việt Pháp số 262 Cầu Giấy, Hà Nội để được tư vấn về việc thay răng sứ thẩm mỹ. Theo các nhân viên tại đây, cơ sở có thể thực hiện đủ các dịch vụ khám chữa răng như: nhổ, hàn, chỉnh, thay răng giả… Giá các dịch vụ đều giao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, có những dịch vụ lên đến cả chục triệu đồng.

PV được một nam nhân viên tự xưng là bác sỹ (không đeo biển tên) nhiệt tình tư vấn về dịch vụ chụp răng sứ. Đặc biệt khi thăm khám nhân viên nam không hề đeo găng tay y tế. Cuối cùng đưa ra kết luận PV bị ê răng là do viêm lợi phải đeo máng thuốc có giá từ 1,5 đến 5 triệu đồng.

“Hai chiếc răng sứ của em sắp làm cho thâm hết vùng lợi xung quanh rồi, em phải xử lý ngay thôi, chứ để đến khi thâm hết lợi mới làm thì không xử lý được như cũ đâu. Mà em làm luôn trong dịp này thì Nha khoa đang có khuyến mại giảm 20% cho răng sứ cao cấp từ 5 triệu đến 12 triệu/ đơn vị răng. Đối với răng sứ của Nhật thì chỉ còn 4 triệu/răng, bảo hành 7 năm, kiểu gì cũng tiết kiệm được 1 triệu cho một chiếc răng, làm xong ăn tết vừa đẹp luôn. Nếu làm thì bây giờ cắt răng để làm khuôn, mẫu răng phải mai mới lấy được”

Hình ảnh PV ghi lại khi thăm, khám tại Nha khoa Quốc tế Việt Pháp

Khi PV hỏi liệu việc điều trị thuốc bằng cách đeo máng, mài răng thật, cắt răng sứ cũ và hút tủy thì có ảnh hưởng đến quá trình mang bầu không? Người này khẳng định chắc chắn không ảnh hưởng gì và khả năng không cần dùng thuốc tê.

“Để cắt 2 cái răng sứ này thì anh sẽ không cần dùng thuốc tê cho em, mà trường hợp phải dùng thì cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến thai nhi cả. Em nên làm cả 2 chiếc bên cạnh và 4 cái hàm dưới vì nó cũng bị thưa, khi em cười răng lộ cũng nhiều, nếu làm được cả bằng đấy chiếc thì cười sẽ rất đẹp. Để chụp răng sứ cho 6 cái thì chắc chắn sẽ phải mài và chờ 2 ngày mới có răng để lắp, nhưng mấy ngày chờ răng anh sẽ làm răng tạm cho em” - Vị "bác sỹ" này sức thuyết phục PV.

Sau khi lấy cao răng PV ra quầy đóng số tiền là 300 nghìn đồng. PV có thắc mắc về giá của dịch vụ này thì nhân viên ở đây cho biết: "Bên em chi phí lấy cao răng giao động từ 100 đến 300 nghìn đồng. Hôm sau chị đến làm răng sứ thì số tiền này sẽ được cộng luôn vào chi phí làm răng, có nghĩa là chị sẽ được miễn phí lấy cao răng khi bọc răng sứ."

Được biết việc mài răng cũ chụp mão sứ là phương pháp nhằm khắc phục các khiếm khuyết của răng như răng thưa, sứt mẻ, mất màu do dùng kháng sinh, sâu răng, viêm tủy, mòn men… So với các phương pháp khác, phương pháp bọc răng sứ được ưa chuộng hơn nhờ ít đau đớn và thời gian thực hiện nhanh.

Tuy nhiên, không ít bác sĩ đã thốt lên rằng việc lạm dụng bọc răng sứ như hiện nay đang trở thành trào lưu "chết người" bởi vì nhiều kỹ thuật viên không có trình độ và mài mòn răng của khách hàng ảnh hưởng tới khoảng sinh học trong làm răng.

Hình ảnh khách hàng mài răng để thực hiện phương pháp bọc răng sứ (Nguồn: Internet)

Hình ảnh khách hàng mài răng để thực hiện phương pháp bọc răng sứ (Nguồn: Internet)

Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Trịnh Đức Mậu - Giám đốc Nha khoa Quốc tế Việt Đức thì việc làm răng sứ là can thiệp lớn: “Theo tôi thì trường hợp phụ nữ đang có bầu không nên chụp răng sứ, còn sử dụng mặt dán không xâm lấn thì phụ nữ mang thai cũng có thể làm được. Vì đang bầu bí thì thuốc tê cũng sẽ có phần nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, với trường hợp cấp bách, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai như viêm tủy, răng số 8 mọc xiên… thì cũng phải đợi đến tam cá nguyệt thứ 2 (từ tháng thứ 4 trở đi) mới có thể sử dụng thuốc tê để khắc phục tình trạng viêm nhiễm gây đau…”

Bác sỹ Mậu cũng cho biết, không thể phủ nhận lợi ích của bọc răng sứ về tính thẩm mỹ, giúp răng trắng sáng, đều, thậm chí tác dụng bảo vệ hàm răng trong một số trường hợp như răng thưa, răng sâu đã được xử lý... Khi thực hiện bọc răng sứ vẫn có sự ảnh hưởng nhất định tới sức khoẻ chung đặc biệt là phụ nữ đang mang bầu cân nhắc rất kỹ. Đồng thời, nha sĩ cũng cần giải thích những biến chứng có thể gặp khi thực hiện thủ thuật nha khoa này cho bệnh nhân.

Cũng theo bác sỹ Mậu, tai biến sau bọc răng sứ thường xảy ra khi kỹ thuật làm không tốt, chỉ định sai. Riêng đối với phụ nữ đang mang thai nhất là trong giai đoạn 3 tháng đầu thì có thể ảnh hưởng đến việc hình thành tổ chức thai nhi, gây dị dạng. Còn nghiêm trọng hơn nữa là dẫn đến xảy thai do ngưỡng chịu đau của bệnh nhân kém.

“Trong Nha khoa việc mài răng bắt buộc phải có thuốc tê trừ trường hợp những chiếc răng đã bị chết tủy. Việc không tiêm tê sẽ khiến bệnh nhân đau, chính cái đau, ê buốt ấy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ mang thai” – Bác sỹ Mậu nói thêm.

Điều khó hiểu là mặc dù phương pháp mài răng thật để bọc răng sứ có nhiều tác dụng phụ và biến chứng như vậy nhưng không một tư vấn viên nào của Nha khoa Quốc tế Việt Pháp nói cho bệnh nhân biết.

Nhân viên, y bác sỹ tại Nha khoa Quốc tế Việt Pháp không biết tới sự nguy hiểm này hay đang xem nhẹ sức khỏe con người?

Liệu trình độ của đội ngũ nhân viên và cơ sở vật chất y tế tại Nha khoa Quốc tế Việt Pháp có đủ để đánh giá trường hợp sử dụng thuốc gây tê an toàn và xử lý kịp thời nếu xảy ra tai biến bất ngờ?

Theo các chuyên gia Y tế cho biết trong số các thuốc gây tê thường sử dụng, lidocain được dùng rộng rãi nhất, hay thấy trong các tiểu phẫu của khoa răng hàm mặt, tai mũi họng, ngoại sản... Do thời gian gây tê quá ngắn, thuốc thường được thêm chất co mạch adrenalin để kéo dài tác dụng cục bộ. Từ lâu, trong y khoa đã có lưu ý các bác sỹ điều trị phải hết sức thận trọng khi dùng adrenalin phối hợp với thuốc gây tê vì dùng quá mức có thể gây thiếu máu cục bộ, dẫn đến những nguy hiểm cho bệnh nhân.

Tác dụng phụ của thuốc gây tê thường gặp là hạ huyết áp, nhịp tim chậm. Khi tác dụng trên thần kinh sẽ gây vật vã, suy hô hấp và co giật. Đặc biệt thuốc có thể gây dị ứng, viêm tắc tĩnh mạch, trầm trọng nhất là sốc phản vệ. Vì vậy bác sỹ phải đánh giá được liều dùng an toàn thông qua xác định tuổi, cân nặng của bệnh nhân, đặc điểm lâm sàng, mức độ vùng mạch máu ở nơi thuốc tiếp xúc và thời gian dùng thuốc. Nếu dùng đường tiêm, phải cẩn thận theo dõi tác dụng độc trong 30 phút đầu sau khi tiêm và cần có thuốc cấp cứu để xử lý kịp thời khi bị tai biến.

Sử dụng thuốc gây mê luôn luôn có nguy cơ bị tai biến cho nên phải sẵn có các phương tiện cấp cứu để đối phó với trường hợp tai biến do thuốc và cả với các tai biến khác xảy ra trong cuộc phẫu thuật. Nên lưu ý sốc có thể do thuốc gây tê, gây mê nhưng cũng có thể do phản xạ thần kinh khi tiến hành mổ xẻ ở các vùng nhạy cảm như hầu, họng, cổ, hậu môn... Việc sử dụng các loại thuốc này chỉ an toàn khi được tiến hành bởi bác sỹ được đào tạo một cách bài bản chuyên khoa gây mê hồi sức.

Thùy Linh
Phiên bản di động