Nguy cơ ngộ độc từ rau quả trái vụ
Bộ Y tế hướng dẫn 5 bước phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ Nguy cơ bùng phát dịch đau mắt đỏ Cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết |
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Dạo quanh các chợ, chúng ta dễ dàng mua các loại rau chỉ sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong mùa hè (như rau muống, ngọn bí ngô, rau dền…) nhưng lại được bày bán khá nhiều vào mùa đông, thậm chí còn non xanh hơn cả các loại rau chính vụ. Những loại rau này người trồng thường dùng nhiều thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật để thúc cho rau phát triển. Trong các loại rau trái vụ như vậy sẽ tồn dư nhiều hóa chất độc hại gây tổn hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Hay nhiều loại khác như măng tươi (như măng nứa, măng mai…) chính vụ sẽ rộ lên từ tháng 5 - 8 nhưng lại được bày bán hầu như quanh năm. Những loại măng này các thương lái đã thu mua khi chính vụ và dùng hóa chất để bảo quản nhằm tránh bị thối hỏng. Những loại măng này rất dễ bị mủn khi xào nấu và tồn dư nhiều độc tố.
Các chất có nguồn gốc hóa học được sử dụng để bảo quản, nhờ đó, nhiều loại rau quả có quanh năm (Ảnh minh họa) |
Những loại quả trái mùa (điển hình là cam, quýt, mít, táo, lê…) thường được các tiểu thương thu mua khi còn xanh ở thời kỳ chính vụ, sau đó họ dùng các hóa chất bảo vệ thực vật (chủ yếu là thuốc diệt nấm và vi khuẩn) ở nồng độ cao để bảo quản.
Những những loại quả này, mặc dù cuống quả bị héo nhưng màu sắc vỏ quả lại sáng bóng hơn bình thường là do một số hóa chất bảo vệ thực vật có tính tẩy rửa làm sáng bóng vỏ ngoài của quả. Đối với các loại quả trái mùa được bảo quản bằng hóa chất độc hại, khi ăn thường không có mùi thơm đặc trưng và có vị ủng (phụ thuộc vào thời gian bảo quản dài hay ngắn).
Ngoài ra, một số loại quả khi bảo quản trong thời gian dài thì ruột quả bắt đầu bị thối hỏng nhưng vỏ ngoài vẫn giữ được mầu sắc bình thường. Trong những loại quả này, chủ yếu là các loại quả như cam, quýt, táo, lê… được nhập khẩu lậu không rõ nguồn gốc.
Sử dụng chất bảo quản, tăng thời gian sử dụng
Nhu cầu đời sống ngày càng tăng đòi hỏi phải đa dạng hóa sản phẩm và rau quả càng trái vụ, giá càng cao lại dễ bán. Do đó, các nhà sản xuất và chế biến luôn tìm cách tăng thời gian sử dụng của sản phẩm. Tùy thuộc vào bản chất của từng loại sản phẩm mà họ lựa chọn một hoặc phối hợp các phương pháp bảo quản sao cho hiệu quả nhất.
Với sự phát triển của ngành hóa chất, các chất có nguồn gốc hóa học đã được sử dụng để bảo quản rau quả. Các chất hóa học có tác dụng bảo quản bao gồm các chất chống ôxy hóa (được dùng để ức chế, ngăn cản sự thay đổi mùi vị, giảm giá trị dinh dưỡng trong quá trình ôxy hóa chất béo, axít amin và vitamin) và các chất kháng diệt vi sinh vật (được sử dụng để ngăn cản sự phát triển vi sinh vật, nấm mốc, nấm men có thể gây biến chất thực phẩm, làm thay đổi dinh dưỡng và có thể gây ngộ độc thực phẩm).
Người tiêu dùng nên chọn mua trái cây ở nơi có uy tín, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng (Ảnh minh họa) |
Nhiều người sản xuất chỉ hướng tới lợi nhuận, đã phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích vô tội vạ, miễn là có thật nhiều rau quả cung cấp cho người tiêu dùng. Đã có chuyện người sản xuất trồng rau quả ăn cho gia đình với cách chăm bón khác hẳn rau quả bán.
Nghiêm trọng hơn, hiện nhiều người dân còn nhắm mắt dùng urê để chống cá ươn, dùng chất chống mối để ủ cam… Rau quả độc hại, cũng như thực phẩm độc nói chung đã gây ra các bệnh rất dễ nhận thấy: Tả, thương hàn, lỵ trực tràng, amíp, tiêu chảy… Độc tố còn có thể gây ra cái chết mòn cho con người, súc vật và môi trường.
Butylated hydroxyl anisone (BHA), butylated hydroxyluene (BHT) và t-butyhydroquinone (TBHQ)… là những chất chống ôxy hóa hòa tan trong dầu mỡ dễ dàng mua tại các chợ đầu mối của Việt Nam, được sử dụng quét vào trái cây hoặc phun vào rau cho màu đẹp, để được lâu. Họ không biết rằng, chúng đều là chất có thể gây ung thư. Các nhà dinh dưỡng cho biết, các hợp chất ức chế men, kháng và diệt vi sinh vật đồng thời gây phản ứng phụ, đặc biệt là ở những người bị hen suyễn.
Từ thực tiễn đó, để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, mọi người cần hạn chế khi tiêu dùng các loại rau quả trái vụ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chỉ nên mua các loại rau quả có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng có uy tín nhằm phòng tránh ngộ độc cho bản thân và gia đình.