Người thắp sáng ước mơ cho học trò khiếm thính
Nhà giáo viên tâm huyết và nhân hậu
Tôi gặp thầy Hoan vào một ngày Hà Nội vừa bước sang đông, khi thầy vừa được Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội vinh danh giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Vẫn còn vẹn nguyên xúc động, tự hào, thầy Hoan chia sẻ, giải thưởng ấy như món quà dành tặng cho học trò, những em bé không may mắn mang trong mình một hình hài không hoàn hảo.
Tốt nghiệp loại giỏi khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy giáo Phạm Văn Hoan bắt đầu gắn bó với ngành Giáo dục từ năm 1993 tại trường Phổ thông Năng khiếu Trần Phú (Hải Phòng).
Thầy giáo Phạm Văn Hoan với học trò trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) |
Những năm sau đó, thầy Hoan đã trực tiếp đứng lớp giảng dạy và làm công tác quản lý ở trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân). Gần đây nhất (từ năm 2011 - 2016), thầy là Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội). Tháng 7/2016, thầy Phạm Văn Hoan được bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn.
Dù mới ba năm ngắn ngủi gắn bó với ngôi trường chuyên biệt Phổ thông cơ sở Xã Đàn trong hành trình 30 năm trồng người nhưng trong thầy ngập tràn kỷ niệm về những lứa học trò của mình.
Nhớ lại những ngày đầu bỡ ngỡ ở ngôi trường mới, thầy Hoan chia sẻ: “Dù đã trực tiếp dạy học, làm quản lý ở nhiều nơi nhưng khi sang môi trường mới với học trò ở cả ba cấp, tôi không khỏi lo lắng. Gạt đi bỡ ngỡ ban đầu, tôi cố gắng tìm các tài liệu, văn bản, nghiên cứu nhiều mô hình giáo dục để tìm hướng tiếp cận gần nhất với những học trò nhiều thiệt thòi…”.
Học sinh ở trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn được phân thành hai lớp: Lớp hòa nhập (dành cho học sinh bình thường và học sinh khiếm thính thể nhẹ), lớp chuyên biệt (dành cho trẻ khiếm thính mức độ nặng, phải dùng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp).
Tiếp xúc với các em, thầy Hoan cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt học trò. Khi ấy, tình thương thôi thúc thầy Phạm Văn Hoan phải làm được điều gì đó cho các em. Nghĩ là làm, việc đầu tiên thầy Hoan mong muốn đó là làm sao để các em khiếm thính nghe và cảm thụ được âm nhạc.
Trang bị nghề cho học trò đặc biệt
Không chỉ quyết tâm kết hợp âm nhạc vào trị liệu cho học sinh khiếm thính, trong quá trình công tác thầy Phạm Văn Hoan còn nghiên cứu, áp dụng phương pháp thể dục, vận động để trị liệu cho từng học sinh khuyết tật.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc định hướng và trang bị cho học sinh khiếm thính một nghề để khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, các em có thể tự lập, hòa nhập với cuộc sống bình thường, thầy Phạm Văn Hoan cùng các thầy, cô giáo trong trường kiên trì tổ chức các lớp dạy nghề. Với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, trường nghề, học sinh nhà trường đã được học nấu ăn, may mặc tại một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhà trường kết hợp với trường Trung cấp Nghề Nấu ăn, Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội tổ chức các lớp, nghề nấu ăn, may thêu… cho các em học sinh. Học sinh tham gia lớp học được đào tạo nghề, cấp chứng chỉ và hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại. Ba năm qua đã có nhiều học sinh ra trường, đi làm và có mức lương ổn định, đảm bảo cuộc cuộc sống.
Theo chia sẻ của thầy Hoan, nhằm tiếp tục hướng nghiệp, tìm hiểu nguyện vọng của các em học sinh, thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với các trường nghề mở lớp nghề cho học sinh khiếm thính như: Thủ công mỹ nghệ, điện tử, điện lạnh, tin học văn phòng…
Đáp lại công ơn, sự tận tâm của thầy cô giáo, trong quá trình học tập các học sinh nhà trường luôn chăm ngoan, học tập tốt. Nhiều học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi Olympic cấp quận và thi vào lớp 10 tại các trường trung học phổ thông.
Với những sáng kiến trong đổi mới dạy học, thầy Phạm Văn Hoan đã nhiều lần được Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội tặng giấy khen và giấy chứng nhận sáng kiến kinh nghiệm có tính ứng dụng cao.