Người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra trục lợi
Chỉ thị của Bộ Y tế nêu rõ, thời gian qua, Luật BHYT, Luật KCB và các quy định liên quan, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước đã triển khai đồng bộ, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người bệnh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện tình trạng lạm dụng sử dụng dịch vụ y tế, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, ảnh hưởng đến việc sử dụng quỹ BHYT, quyền lợi người bệnh, ý nghĩa nhân văn của chính sách này.
Nguyên nhân là do một bộ phận người lao động trong ngành y tế thiếu kiến thức và hiểu biết chính sách, pháp luật về BHYT, chưa tuân thủ các quy định về tổ chức KCB; hạn chế về kiến thức, năng lực chuyên môn...
Để kịp thời ngăn chặn hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và sử dụng quỹ hợp lý, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành tăng cường tham mưu thực hiện quản lý nhà nước về BHYT, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách về BHYT.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Giám đốc bệnh viện, viện có giường, cơ sở KCB có kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh công tác KCB BHYT, đặc biệt chú trọng các nội dung về chỉ định dịch vụ KCB; công tác lập hồ sơ bệnh án, kê đơn, cấp thuốc; tránh tình trạng yêu cầu người bệnh tự chi trả các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế; việc lập bảng chi phí KCB chưa chính xác, không công khai minh bạch và phải có chữ ký xác nhận của người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân để lưu hồ sơ bệnh án; công khai bảng giá dịch vụ y tế tại nơi tiếp nhận người bệnh và nơi thanh toán; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong KCB...
Theo Chỉ thị này, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành, Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, người đứng đầu các cơ sở KCB chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm trong đơn vị, lĩnh vực công tác được giao quản lý, phụ trách.
Chi tiết Chỉ thị 10/CT-BHYT