Ngày đầu năm 2025, thu tiền phạt vi phạm giao thông 28 tỷ đồng

Trong ngày 1/1/2025, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ đã kiểm tra, xử lý 13.591 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước 27 tỷ 978 triệu đồng.
Tăng mạnh mức phạt giao thông từ 1/1/2025

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong ngày 1/1/2025, toàn quốc xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người, bị thương 35 người.

Trong đó, đường bộ xảy ra 50 vụ, làm chết 27 người, bị thương 35 người; đường sắt xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người.

Trong ngày, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ đã kiểm tra, xử lý 13.591 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước 27 tỷ 978 triệu đồng; tạm giữ 82 xe ô tô, 4.050 xe mô tô, 111 phương tiện khác, tước 2.603 giấy phép lái xe.

Trong đó, vi phạm nồng độ cồn 2.789 trường hợp, vi phạm về tốc độ 3.105 trường hợp; chở hàng quá tải trọng 241 trường hợp, quá khổ giới hạn 34 trường hợp, vi phạm ma túy 43 trường hợp.

Ngày đầu năm 2025, thu tiền phạt vi phạm giao thông 28 tỷ đồng
Ảnh minh họa.

Các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông đã lập biên bản 195 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 684,8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 94 trường hợp, tạm giữ 4 phương tiện.

Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã kiểm tra xử lý 161 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 285 triệu đồng, tước chứng chỉ chuyên môn 4 trường hợp.

Lực lượng cảnh sát giao thông đường sắt đã kiểm tra xử lý 8 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 4 triệu đồng.

Theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2025 quy định, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe có hành vi dừng xe, đỗ xe ở lòng đường gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; đỗ, để xe ở lòng đường, vỉa hè trái phép.

Người điều khiển xe đi ngược chiều, đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan); không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng. Đối với ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng

Mức phạt tiền từ 8-10 triệu đồng sẽ áp dụng đối với người điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư, khu vực cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 10-14 triệu đồng đối với người điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều" gây tai nạn giao thông.

Mức phạt đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn là từ 2 - 10 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định này cũng quy định: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông như điều khiển xe không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; không có đèn soi biển số; đèn báo hãm sẽ bị phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Trường hợp điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không gắn biển số; gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động