Ngành hàng không Thái Lan tìm cơ hội trong khủng khoảng COVID-19

Sân bay Don Mueang, một trong hai sân bay lớn ở vùng đô thị Bangkok, đang biến khủng hoảng COVID-19 thành cơ hội bằng cách cải thiện nội thất của nhà ga quốc tế khi không có hành khách đi và đến.
Thủ tướng Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia Ca dương tính 122 là nhân viên quán Bar tại Thái Lan đang cách ly tại Đà Nẵng
nganh hang khong thai lan tim co hoi trong khung khoang covid 19
Nhân viên sân bay kiểm tra hộ chiếu của một hành khách tại sân bay Don Mueang ở Bangkok, Thái Lan ngày 21/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù dịch COVID-19 đã làm cho ngành hàng không ngưng trệ, nhà chức trách hàng không Thái Lan đang tận dụng cơ hội gián đoạn hiếm có này để phát triển các cơ sở sân bay nhằm chuẩn bị cho thế giới hậu đại dịch.

Sân bay Don Mueang, một trong hai sân bay lớn ở vùng đô thị Bangkok, đang biến khủng hoảng COVID-19 thành cơ hội bằng cách cải thiện nội thất của nhà ga quốc tế khi không có hành khách đi và đến.

Đại dịch COVID-19 đã buộc sân bay Don Mueang phải đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế và nội địa, khiến cho hoạt động giao thông đường không ra vào sân bay này ngừng hoàn toàn.

Giám đốc sân bay Don Mueang, ông Sampan Khuntranont, cho biết sân bay đã quyết định thúc đẩy các kế hoạch tân trang nội thất nhà ga quốc tế với chi phí 126 triệu baht (3,85 triệu USD).

Công việc tân trang tại sân bay Don Mueang bao gồm 3 tiểu dự án: cải thiện hệ thống điều hòa không khí với ngân sách 99 triệu baht, trải lại thảm với kinh phí 18 triệu baht và 9 triệu baht để chuyển sang dùng đèn LED cho hệ thống chiếu sáng nhằm tiết kiệm năng lượng.

Dự kiến dự án tân trang này sẽ bắt đầu từ tháng 7/2020 và kết thúc vào cuối năm nay.

Don Mueang là sân bay đông đúc thứ hai ở Thái Lan, sau sân bay quốc tế Suvarnabhumi.

Sân bay đã đạt công suất tiếp nhận hành khách tối đa trong năm 2019 là 40 triệu lượt, nhưng ước tính sẽ phục vụ 45 triệu lượt khách vào năm 2023.

Thái Lan đang có ý tưởng mở rộng sân bay này để chuyên phục vụ các hãng hàng không giá rẻ.

Tháng trước, có tin nói rằng Ban giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Thái Lan (AoT) đã nhất trí một kế hoạch tổng thể cho giai đoạn 3 dự án phát triển sân bay Don Mueang với chi phí ước tính 39 tỷ baht.

Dự kiến, công việc gọi thầu xây dựng sẽ được thực hiện sau khi Dự án phát triển sân bay Don Mueang giai đoạn 3 từ năm 2020-2025 được nội các Thái Lan thông qua.

Sau khi hoàn tất, sân bay Don Mueang sẽ có nhà ga T3 mới được xây dựng trên nền nhà ga nội địa cũ với năng lực tiếp nhận tới 18 triệu hành khách mỗi năm.

Hai nhà ga T1 và T2 sẽ được cải tạo để có thể đón tiếp 22 triệu lượt hành khách nội địa mỗi năm.

Ngoài ra, hệ thống giao thông tĩnh và động xung quanh sân bay sẽ được nâng cấp để đáp ứng số lượng xe ngày càng tăng.

AoT còn đề xuất xây dựng một tuyến tàu điện dài 3km nối sân bay Don Mueang với hệ thống tàu điện trên cao của Bangkok.

Tuyến tàu điện này, với giá trị 3 tỷ baht, sẽ bổ sung cho kế hoạch biến sân bay Don Mueang thành một trung tâm giao thông kết nối Trung Quốc với Bangkok và Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC).

Trong khi đó, Bộ Giao thông Thái Lan vừa cho biết, cơ quan này sẽ đề nghị Nội các thông qua ngân sách 250 triệu baht để cải thiện và nâng cấp các cơ sở tại sân bay Hua Hin ở tỉnh Prachuab Khiri Khan nhằm thu hút các hãng hàng không quốc tế khi dịch COVID-19 được kiềm chế.

Đầu năm 2019, Nội các Thái Lan cũng đã thông qua kế hoạch xây dựng đường băng thứ ba tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi giáp Bangkok, với chi phí gần 21,8 tỷ baht.

Theo thiết kế, đường băng mới sẽ giúp sân bay quốc tế Suvarnabhumi có khả năng tiếp nhận thêm 30 chuyến bay mỗi giờ, nâng tổng công suất của sân bay này lên 94 chuyến bay/giờ.

Lý do để xây dựng thêm đường băng thứ ba tại sân bay Suvarnabhumi là vì hai đường băng hiện nay có tổng công suất 64 chuyến bay/giờ, nếu một trong hai đường băng bị đóng cửa, sân bay này chỉ còn có thể đáp ứng được 34 chuyến bay/giờ.

Dự án xây dựng đường băng thứ ba tại sân Suvarnabhumi là một phần trong Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giao thông giai đoạn 2015-2022 đã được Nội các Thái Lan thông qua.

Thái Lan còn có kế hoạch xây dựng một sân bay mới ở tỉnh Nakhon Pathom giáp với Bangkok về phía Tây để giảm tải cho hai sân bay quốc tế Don Mueang và Suvarnabhumi.

Trong một diễn biến khác, Bộ Tài chính Thái Lan ngày 9/4 đã họp để thống nhất các nội dung cụ thể trong chương trình hỗ trợ tiền mặt cho gần 9 triệu nông dân, nhằm tăng thêm tính thanh khoản cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong cuộc họp trên, Bộ trưởng Tài chính Uttama Savanayana cho biết cơ quan này vẫn đang xem xét mức hỗ trợ tiền mặt, đồng thời xoa dịu những đồn đoán về khoản hỗ trợ 30.000 baht (gần 1.000 USD) cho mỗi hộ gia đình thuộc diện quy định.

Ông Uttama khẳng định khoản hỗ trợ sẽ được chuyển thẳng đến người nông dân giống như các hình thức đã được triển khai trước đây, theo đó Bộ Tài chính sẽ hoàn thành các nội dung cụ thể của chương trình trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan cũng thừa nhận rằng ông không biết liệu khoản tiền hỗ trợ trên có thể được triển khai vào cuối tháng này hay không.

Ông cho rằng khoản hỗ trợ đang được đề xuất chỉ là một trong những biện pháp giảm thiểu khó khăn sẽ được cấp vốn từ gói cho vay khẩn cấp trị giá 1.000 tỷ baht (hơn 30 tỷ USD) của Chính phủ Thái Lan.

Giám đốc Văn phòng Chính sách tài khoá Thái Lan (FPO) Lavaron Sangsnit cho biết, mức hỗ trợ có lẽ không bằng khoản hỗ trợ 5.000 baht cho người lao động không có việc làm chính thức, bởi vì nông dân được đánh giá là không bị tác động trực tiếp bởi đại dịch COVID-19 do đây không phải là thời điểm gieo trồng mùa vụ.

Nguồn: VietnamPlus
www.vietnamplus.vn
Phiên bản di động