Ngang nhiên vứt kim tiêm, ống đựng máu vào bãi rác thải sinh hoạt giữa thủ đô Hà Nội
[CLIP] Giắt kim tiêm quanh người, đối tượng ngoan cố bị khống chế tại chốt 141 Bắt khẩn đối tượng dùng kim tiêm dọa chủ nhà Thử nghiệm kiểm tra máu ở trẻ không cần kim tiêm |
Nhận được phản ánh của người dân về việc hàng có hai cô gái thường xuyên vứt những bọc rác đen chứa rác thải y tế vào bãi rác tạm gần ngõ 113 Hoàng Cầu. Nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã vào cuộc xác minh, theo đó, hai cô gái này làm việc trong một cơ sở tại tòa nhà 34 Hoàng Cầu. Cơ sở này thường xuyên tổ chức các buổi workshop (làhoạt động trao đổi, thảo luận về một chủ đề thuộc lĩnh vực nhất định nào đó. ... Người diễn giả của buổi workshop hay được biết đến với thuật ngữ là speaker sẽ lựa chọn chủ đề phù hợp để tiến hành trao đổi với những người tham dự) chuyển giao công nghệ trị nám bằng phương pháp hút máu rồi trộn với các sản phẩm công ty này bán. Trên bao bì sản phẩm có dòng chữ "lưu hành nội bộ."
Để có những hình ảnh chân thực, rõ nét nhằm chứng minh hành vi đổ trộm rác thải y tế nêu trên, phóng viên đã trực tiếp thâm nhập vào các buổi workshop này. Tại đây, kim tiêm một lần được sử dụng trong thực hành rút máu, tiêm huyết tương trộn sản phẩm làm đẹp. Sau khi dùng, các kim tiêm, ống máu này được vứt vào các túi màu đen. Cuối buổi học, khi các học viên đã về gần hết, sẽ có nhân viên buộc túi đen này lại, xách theo và vứt ở bãi rác tạm gần đó.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế): "Chất thải y tế là bất kỳ chất thải nào có chứa chất nhiễm trùng (hoặc vật liệu có khả năng truyền nhiễm). Chất thải y tế có thể chứa chất lỏng cơ thể như máu hoặc các chất gây ô nhiễm khác." |
Đối chiếu với các quy định về xử lý chất thải y tế thì sau khi đã dính máu, kim tiêm và ống đựng được xác định là chất thải y tế và không được phép vứt cùng với rác thải sinh hoạt thông thường mà phải được xử lý, thu gom riêng.
Kim tiêm, ống đựng máu sau khi sử dụng xong sẽ được gói vào túi nilon màu đen và tuồn ra môi trường |
Nhận thấy đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lĩnh vực Y tế và Môi trường... phóng viên đã thông tin nhanh đến cơ quan Công an quận Đống Đa với mong muốn cơ quan này sẽ phối hợp để nhanh chóng "bắt được tận tay" hành vi xả rác thải y tế ra môi trường. Tuy nhiên, một cán bộ Công an quận Đống Đa yêu cầu phóng viên phải đem giấy giới thiệu và ghi hình lại bằng chứng để cung cấp cho cơ quan chức năng thì mới "làm việc".
Không nhận được sự phối hợp từ Công an quận Đống Đa nhóm phóng viên đã quyết định tự "phục kích" ở bãi rác tạm nhiều ngày liền nhằm ghi nhận "số phận" của các bọc rác y tế sẽ được xử lý như thế nào.
Theo đó, hàng ngày, cứ vào khoảng 17h30, một cô gái bước ra từ tòa nhà 34 Hoàng Cầu sẽ vất một túi nilon màu đen ra bãi rác. Đến khoảng 19h30, công nhân vệ sinh đến gom rác tại bãi tạm này.
Để bán được sản phẩm cho các spa, một sơ sở thường xuyên tổ chức những buổi chuyển giao hút máu, mix thuốc và tiêm vào khuôn mặt tại 34 Hoàng Cầu. |
Trao đổi nhanh với người công nhân thu gom rác, phóng viên được biết gần đây họ thường xuyên thấy xuất hiện kim tiêm và ống máu nhưng không biết của đơn vị nào và xử lý ra sao nên vẫn dùng xẻng hốt lẫn vào rác sinh hoạt để đưa đi xử lý cùng với rác thông thường(?)
Người này nói: "Có lần em còn thấy kim tiêm, ống máu vất tung tóe ra đường. Bọn em cũng chỉ dám dùng xẻng xúc hết lên xe chứ nếu để lại thì người đi đường sẽ bị dẫm vào những ống tiêm đó."
Theo tìm hiểu của phóng viên, đơn vị phụ trách thu gom ở bãi rác tạm 113 Hoàng Cầu là công ty Urenco 4. Phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Chi nhánh Đống Đa (Urenco 4) thuộc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội. Ông Sơn đã trực tiếp ra hiện trường, kiểm tra bên trong túi nilon màu đen, ghi nhận có những vật dụng như bông băng, ống kim tiêm còn dính máu… Đặc biệt bên trong còn chứa vỏ hộp sản phẩm có ghi địa chỉ: Công ty cổ phần STD Group toàn cầu, địa chỉ 34 Hoàng Cầu mới, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội.
Kim tiêm, ống đựng máu trộn chung với rác thải sinh hoạt bị vất ra môi trường (ảnh trích từ clip). |
Theo ông Sơn, thông thường khi công nhân đi thu gom rác phát hiện rác thải y tế bị đổ trộm sẽ phải thông báo cơ quan chính quyền địa phương và nếu để xử lý rác thải y tế thì phải là đơn vị có chức năng như Urenco 13.
"Chúng tôi không có chức năng thu gom rác thải y tế. Vì vậy, với trường hợp đổ trộm như thế này sẽ báo chính quyền địa phương ra lập biên bản và xử lý. Họ đổ trộm cứ buộc vào túi bọc đen như thế này thì nhân viên không thể phát hiện ra được. Nếu họ bọc vào túi đen rồi vất ra môi trường thế này là chủ đích đổ trộm rồi vì theo quy trình rác thải y tế ở các cơ sở y tế là phải được phân loại vào loại túi màu xanh" - ông Sơn cho biết.
Trước sự việc nêu trên, nhận được tin báo, một cán bộ Công an phường Ô Chợ Dừa đã lập biên bản và niêm phong túi rác thải y tế để điều tra xác minh xử lý theo đúng quy định.
Công an phường Ô Chợ Dừa đã niêm phong túi rác thải y tế để điều tra làm rõ |
Theo quy định rác thải y tế phải được phân loại để có quy trình xử lý đúng cách và hạn chế tối thiểu những tác động đến môi trường. Tuy nhiên, hành vi vứt rác thải trái quy định trên, tiềm ẩn nguy cơ các mầm bệnh phát tán gây hại đến sức khỏe người dân, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao công quét dọn và những người nhặt phế liệu, bởi chất thải rắn y tế nếu không được phân loại, thu gom, quản lý và xử lý tốt sẽ là nguồn lây lan bệnh tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.
(Còn tiếp...)