"Nga thả 800 con sư tử ra đường" là tin giả
TT Putin thông qua chỉnh sửa hiến pháp cho phép ông tái tranh cử Ông Putin lên tiếng về tình hình Covid-19 ở Nga Cuộc cách mạng không đổ máu của Vladimir Putin |
Từ 22/3, nhiều tài khoản, trang Facebook chia sẻ hình ảnh với nội dung "Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thả 800 con hổ và sư tử khắp cả nước để ngăn người dân ra đường". Ngày 23/3, Phòng Đấu tranh Chống Tin giả Ấn Độ (AFWA) của India Today đã tuyên bố thông tin này không đúng sự thật.
Thông tin này được lan truyền trong bối cảnh nhiều quốc gia khuyến khích người dân ở nhà tránh dịch.
Bức ảnh con sư tử giữa đường phố được chụp từ năm 2016. Ảnh: Chụp màn hình. |
Theo AFWA, trang Facebook "Humor TV" là nơi đầu tiên lan truyền tin giả này. Hình ảnh một con sư tử đứng giữa khu dân cư trống trải được chú thích: "Vladimir Putin đã thả 800 con hổ và sư tử trên khắp đất nước để mọi người về nhà".
Bài đăng được chia sẻ lại hơn 18.000 lần trên Facebook và nhiều mạng xã hội khác.
Tuy vậy, bức ảnh này được chụp tại Johannesburg, Nam Phi từ năm 2016. Trong bài báo của Daily Mail xuất bản ngày 15/4/2016, một con sư tử tên Columbus đã được đoàn phim ở Johannesburg cho đóng phim. Một bài báo khác của New York Post lại cho biết việc quay phim đã không được chấp thuận.
AFWA kết luận đây hoàn toàn là tin giả. Con sư tử xuất hiện trên phố không liên quan đến Nga hay Tổng thống Putin.
Hiện bức ảnh này vẫn được lan truyền rộng rãi trên Facebook. Hàng trăm nghìn người đã đăng lại, chia sẻ, bình luận. Thậm chí, ngoài bức ảnh con sư tử, nhiều trang Facebook còn ghép ảnh tổng thống Nga vào khung giống chương trình thời sự TV với phát ngôn giả mạo bên dưới.
Trong thông cáo báo chí gửi đi của Facebook, Kang Xing Jin, Trưởng Bộ phận Y tế của mạng xã hội này cho biết Facebook cũng đang hạn chế sự lan truyền của những thông tin sai lệch, nội dung độc hại về virus corona và kết nối mọi người với thông tin hữu ích.
Thế nhưng, hiện Facebook chưa đưa ra bất kỳ lớp phủ tin giả nào trên những bài đăng này như cách mạng xã hội này cam kết.