Nét văn hóa đọc đứng của người Nhật Bản
Ký kết phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản Vải thiều Việt Nam thêm “cánh cửa” xuất khẩu sang Nhật Bản Búp bê Daruma - Biểu tượng may mắn của người dân Nhật Bản |
Văn hóa đọc ở Nhật được hình thành cách đây hơn 300 năm. Từ thời Genroku (1688 - 1704), nước Nhật đã có hệ thống xuất bản với lượng sách lên đến 10.000 cuốn một năm.
Thời Minh Trị, những cuốn sách từ phương Tây được dịch lại và in ra hàng triệu bản để phổ biến đến người dân.
Ngày nay, mỗi năm Nhật Bản xuất bản 43.000 đầu sách. Trung bình một người dân nước này đọc hơn 10 cuốn sách.
Đặc biệt, người Nhật có thói quen tranh thủ đọc sách ở mọi không gian chờ như: Đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm... Thói quen này đã hình thành văn hóa đọc đứng “Tachiyomi” độc đáo của người dân đất nước mặt trời mọc.
Người dân Nhật tranh thủ đọc sách, báo ở ga tàu điện ngầm (Ảnh: Shutterstock) |
Trong xã hội công nghiệp hối hả như Nhật Bản cùng khối việc công việc lớn thì thời gian dành cho nghỉ ngơi không nhiều song người Nhật chọn sử dụng vốn thời gian ít ỏi đó cho việc đọc sách.
Cảnh tượng trên những toa tàu các hành khách đều im lặng bởi nhiều người trong số họ đang mải đọc một cuốn sách, một tờ báo khiến nhiều du khách nước ngoài phải trầm trồ. Do đó, không sai khi nói rằng Nhật Bản là một trong những nước “mọt sách” nhất trên thế giới.
Bởi phải thường xuyên đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng và tranh thủ thời gian trống cho thói quen đọc sách, người Nhật đã phát minh ra những cuốn sách nhỏ gọn chỉ tương đương kích cỡ một gang bàn tay, có thể dễ dàng bỏ vào túi xách hay túi áo.
Các cuốn sách nhỏ này có cỡ chữ vừa đủ để đọc trong khi các trang giấy được gia công mỏng tới mức một cuốn vài trăm trang cũng có thể nằm gọn trong lòng bàn tay.
Người dân Nhật Bản rất ham đọc sách |
Tại một nước yêu sách như Nhật Bản, những cửa hàng bán sách hiện diện ở mọi nơi. Số lượng sách và tạp chí phát hành tại Nhật Bản vẫn gia tăng một cách đều đặn, trên 7% mỗi năm. Đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia.
Ngoài ra, các quầy sách cũ cũng không hề mai một. Tại thủ đô Tokyo còn có cả một quảng trường rộng ở khu phố Kanda dành riêng để dựng các quầy sách cũ với đủ các loại sách báo khác nhau. Thậm chí, trong những quầy này còn có cả các loại sách báo chuyên ngành với mức giá cực rẻ.
Tại Nhật Bản, việc rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ được các bậc phụ huynh chú trọng từ khi chúng còn nhỏ. Thói quen đó được hình thành từ môi trường sống, từ môi trường giáo dục; Giáo dục từ nhà trường, giáo dục trong gia đình.
Hoạt động của thư viện được xem là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tại các trường tiểu học ở Nhật Bản. Dù trường có ít học sinh bao nhiêu vẫn phải có thư viện và phòng đọc sách. Trường đang trong quá trình tu bổ, sửa chữa, ngày hội thao phải mượn đỡ sân vận động của trường khác, vẫn phải thu xếp một không gian để làm thư viện và mở cửa để phục vụ các độc giả nhí.
Trẻ em Nhật Bản có thói quen đọc sách từ bé (Ảnh:Japan Guide) |
Thống kê của thư viện một trường tiểu học thuộc thành phố Nago, tỉnh Okianawa (Nhật) cho thấy, trung bình, một học sinh tiểu học Nhật đọc gần 20 quyển sách mỗi tháng. Thống kê cũng cho biết, những đầu sách phù hợp với các cấp lớp và phân loại theo từng lĩnh vực khác nhau. Từ tìm hiểu thế giới khủng long, yêu quái cho đến sách khoa học, nghiên cứu đời sống cây cỏ, vật nuôi, lịch sử đất nước, câu đố mẹo, thuật dọn dẹp…
Theo ông Nakatani Akihiro, tác giả của cuốn “64 cách đọc sách thay đổi cuộc đời” thì đọc sách sẽ giúp con người thực hiện những cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhất, gay cấn nhất nhưng cũng an toàn nhất.
“Trong não có một tổ hợp các tế bào thần kinh gọi là hạt nhân accumben. Đó chính là công tắc bật mở tín hiệu cảm xúc khi được kích thích bởi một hành vi nào đó. Vì vậy, chúng ta không thể chờ có hứng rồi mới đọc sách mà phải đọc sách để thấy có cảm hứng”, ông Nakatani viết.
Bên cạnh văn hóa đứng đọc, thói quen “đứng” của người Nhật đã trở thành một điểm đặc trưng. Người Nhật còn rất nhiều từ khác liên quan đến việc đứng và hành động gì đó cùng lúc như như: Đứng ăn, đứng uống, đứng bán…
Thói quen này phần nào phản ánh nhịp sống hối hả của người dân Nhật Bản với phong cách tiết kiệm thời gian tối đa, hoàn thành được nhiều việc hết mức có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất.