Nên để Quốc hội quyết định danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Một số ý kiến khác cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng là quá cao. Chính phủ và một số đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng để phù hợp với thực tiễn.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng nên giữ nguyên quy định như hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, là 10.000 tỉ đồng thay vì đưa lên mức 20.000 tỉ đồng như đề xuất của Chính phủ. “Mức 10.000 tỉ cũng là cao vì 10 năm chỉ có 2 dự án đạt tiêu chí quan trọng quốc gia, nếu tăng lên 20.000 tỉ có thể sẽ không còn dự án nào phải trình Quốc hội ", ông Hàm nói.
Theo đại biểu Hàm, để Quốc hội quyết định mới bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn về phân bổ ngân sách Trung ương theo Hiến pháp, vì dự án là “linh hồn” của kế hoạch đầu tư.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc quyết định danh mục đầu tư công trung hạn là thể hiện quyền và trách nhiệm của đại biểu, vì vậy nếu giao Quốc hội quyết định danh mục sẽ thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp.
Việc trình Quốc hội sẽ bảo đảm tính công khai, dân chủ công bằng cho 63 tỉnh, thành phố. Các đại biểu Quốc hội có thể trực tiếp tham gia ý kiến vào phương án phân bổ cho địa phương mình. “Trong lịch sử Quốc hội những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, giao vốn cho dự án được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, không nên tạo ra một tiền lệ khác", đại biểu Mai nói.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đồng tình với nguyên nhân sửa Luật Đầu tư công không phải là do bất cập của luật, mà do thực hiện còn nhiều vướng mắc.
Ông Dũng cho biết, hiện nay hầu hết dự án do các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị và Bộ kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ trình Quốc hội. “Tuy nhiên, việc triển khai, chuẩn bị dự án yếu kém, tùy tiện về chất lượng, thậm chí có lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ", ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tổ chức đầu thầu, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án rất chậm là do các cấp không thực hiện nghiêm và quyết liệt, dẫn đến không đủ thủ tục giao và triển khai dự án. Hàng năm, Bộ phải đi kiểm tra, giám sát để tháo gỡ khó khăn. Vì vậy, sửa luật là để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong điều chỉnh, phê duyệt dự án.
"Về thẩm quyền quyết định, chúng tôi hoàn toàn đồng ý là thuộc Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất. Tuy nhiên, số lượng hơn 9.000 dự án trong 5 năm là rất lớn, Quốc hội phê duyệt tất cả liệu có khả thi?", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Ông Dũng cho rằng, nếu giao cho Chính phủ điều hành thì linh hoạt hơn, nhẹ hơn cho công việc của Quốc hội, vì Quốc hội một năm có 2 kỳ họp, mỗi kỳ một tháng nhưng có rất nhiều nội dung, công việc, nếu chỉ sa đà vào thực hiện một việc sẽ rất khó và tính khả thi yếu đi.
Trước những ý kiến còn khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ xin ý kiến đại biểu thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu trước để thể hiện ý kiến bằng hệ thống điện tử vào buổi sáng 29/5, trước khi thảo luận tổ.