Nâng cao văn hóa trên xe buýt

Vừa qua, trên chuyến xe buýt tuyến số 103B Mỹ Đình - chùa Hương (Xí nghiệp Xe buýt Cầu Bươu) đã xảy ra vụ việc 1 nữ nhân viên phụ xe bị 4 thanh niên hành hung khiến chị phải nhập viện, chỉ vì chị đã nhắc nhở họ thực hiện đúng nội quy xe buýt.
Tuyến xe khách Huế - Đà Nẵng chuyển thành tuyến xe buýt liền kề Tài xế Grab và xe buýt chốt cửa đánh nhau mặc CSGT ở bên ngoài

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng xác minh làm rõ, song nhiều người tỏ ra lo ngại khi văn hóa ứng xử của một số người dân tại các điểm công cộng nói chung và đi xe buýt nói riêng ngày càng đi xuống. Vì thế, xây dựng văn hóa trên xe buýt là yêu cầu cấp thiết để phương tiện công cộng này luôn là người bạn đồng hành của người dân Thủ đô và du khách.

nang cao van hoa tren xe buyt
Đoàn viên, thanh niên Hà Nội tham gia “Tuyến xe ngày 26 – Xe buýt màu xanh”

Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích” với nhóm đối tượng hành hung nữ nhân viên phụ xe buýt tuyến số 103B Mỹ Đình - chùa Hương là hoàn toàn xác đáng.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp bày tỏ: Theo Khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2017 thì người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất côn đồ; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Đó là bài học cho những kẻ cố tình gây rối trật tự công cộng nói chung và đi ngược lại mục tiêu xây dựng văn hóa xe buýt nói riêng. Do đó, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, giáo dục, nêu gương người tốt, việc tốt để tạo thói quen ứng xử có văn hóa, cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm những đối tượng gây rối để chấm dứt những hành vi tương tự xảy ra.

Đến nay, mạng lưới xe buýt tại Hà Nội được mở rộng, đáp ứng 15,7% nhu cầu đi lại của người dân. Đến hết năm 2019, Hà Nội dự kiến hệ thống xe buýt đáp ứng khoảng 17,3% và vào năm 2020, tỷ lệ này đạt 20-21%. Các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ nhằm thu hút ngày càng đông người dân đi xe buýt. Tuy nhiên, về văn hóa của hành khách và lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt thời gian qua vẫn còn nhiều việc phải bàn.

Qua theo dõi, hằng ngày, trên các chuyến xe buýt vẫn còn xảy ra tình trạng va chạm giữa hành khách với nhau, hành khách với nhân viên xe buýt. Một số hành khách cố tình không chấp hành nội quy xe buýt mặc dù đã được lái xe và nhân viên phục vụ nhắc nhở...

Những năm gần đây, thay vì đi bằng phương tiện cá nhân, nhiều người đã chọn cách vào nội thành làm việc bằng xe buýt, bởi giá vé vừa rẻ, đi lại bằng xe buýt lại an toàn. Điều đáng buồn là tuy lượng người sử dụng xe buýt tăng cao nhưng không phải ai cũng ý thức được văn hóa ứng xử trên xe buýt. Nhiều hành khách nam giới, các bạn trẻ thản nhiên ngồi ghế mà không nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… Không ít trường hợp chỉ một va chạm nhỏ là sẵn sàng nổi cáu, xảy ra to tiếng.

nang cao van hoa tren xe buyt
Nghệ sĩ Xuân Bắc là một trong số những nghệ sĩ có các hoạt động tích cực trong việc tuyên truyền về ý thức tham gia giao thông

Về phía nhà xe, bên cạnh những lái xe, nhân viên phục vụ niềm nở, nhiệt tình thì vẫn còn có lái xe phóng nhanh, vượt ẩu, ứng xử thiếu chuẩn mực với hành khách: Lái xe bật nhạc to, phụ xe sử dụng điện thoại trong lúc làm việc… Mặt khác, hạ tầng giao thông quá chật chội, tiến độ thi công các công trình giao thông chậm chạp khiến hàng loạt tuyến đường nội đô ùn tắc thường xuyên, tạo áp lực lớn về tâm lý… nên cả người phục vụ và hành khách đều khó kiềm chế cảm xúc, dẫn tới những hành vi ứng xử chưa đẹp.

Kể từ ngày 26/9/2018, cứ vào ngày 26 hàng tháng về sau, đoàn viên, thanh niên, sinh viên Thủ đô sẽ mặc áo xanh và đi xe buýt. Trên những chuyến xe buýt đó, Thành đoàn Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về sử dụng phương tiện công cộng cũng như hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố đã ban hành. Thành đoàn Hà Nội hi vọng thông qua chương trình này sẽ lan tỏa hành động đẹp, đẩy lùi hành vi sai trái.

Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc chia sẻ: “Tôi thực sự vui mừng khi có mặt ở đây để tham gia chương trình thiết thực này. Điều này thể hiện tình yêu của tuổi trẻ với Thủ đô Hà Nội. Việc tích cực sử dụng phương tiện công cộng không chỉ giúp chúng ta không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thời tiết nắng nóng hay giá lạnh mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu ùn tắc giao thông”.

Trong khuôn khổ chương trình, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên và các đại biểu tham gia trải nghiệm dịch vụ xe buýt trên hành trình “Tuyến xe ngày 26 – Xe buýt màu xanh” đi qua các tuyến phố trung tâm của quận Long Biên (Hà Nội).

Trên chuyến xe đầy ý nghĩa này, nghệ sỹ Xuân Bắc nói chuyện thân mật, chân tình với các bạn đoàn viên, thanh niên. Anh chia sẻ: Tôi đã từng đi lưu diễn hơn 40 nước trên thế giới. Ở những nơi đó, tôi thấy ý thức tham gia giao thông của họ rất tốt. Bất cứ ai cũng đều mong muốn điều tốt đẹp đến với người khác. Đặc biệt, ở những nước phát triển, trừ trường hợp thật đặc biệt thì người dân mới sử dụng xe hơi, đa phần là họ thích sử dụng phương tiện công cộng. Ngay từ nhỏ, trẻ con đã được giáo dục là phương tiện công cộng giảm ô nhiễm môi trường, kiềm chế tai nạn, khắc phục ách tắc giao thông, tiết kiệm chi phí…

Trên suốt hành trình, với cách nói chuyện hóm hỉnh cùng các pha diễn theo một kịch bản ngẫu nhiên, tự phát, nghệ sỹ Xuân Bắc đã tạo nên không khí vui vẻ, gần gũi với các bạn đoàn viên, thanh niên, qua đó truyền tải được ý nghĩa và tính hiệu quả của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng tới các bạn trẻ.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) đề xuất: "Những hành vi phản cảm trên xe buýt thời gian qua rõ ràng là không thể chấp nhận được, tạo ra một trạng thái bất ổn cho những người sử dụng phương tiện công cộng. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi trong cộng đồng, trên các phương tiện công cộng. Về phía các đơn vị có trách nhiệm tổ chức vận chuyển hành khách, họ phải có phương thức thích hợp. Chúng ta đang trong thời đại công nghệ nên có thêm hình thức camera giám sát.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có thái độ, trách nhiệm, ý chí tham gia nhập cuộc để chặn đứng hành vi ứng xử thiếu văn hóa của lái xe, phục xe và người hành khách. Tôi nghĩ hàng loạt giải pháp như vậy sẽ xây dựng được một không gian văn hóa an toàn, lịch sử, văn minh trên hệ thống vận tải công cộng".

Theo Tuổi trẻ Thủ đô

Bình luận

Phiên bản di động