Mùa xuân lên Tây Bắc tìm hiểu tục chọc sàn của người Thái
Thịt lợn gác bếp, lạp xưởng Tây Bắc siêu rẻ tràn lan chợ mạng Lung linh những vòng xòe của những cô thôn nữ xóm núi Tây Bắc Sôi nổi Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc |
Tháng 1, dường như sắc xuân đã "gõ cửa" với miền đất thơ mộng của núi rừng Tây Bắc. Đến đây, du khách không những được đắm mình trong hương sắc mùa xuân mà còn được tìm hiểu với các phong tục của các dân tộc nơi đây.
Với dân số rải rác khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu sống ở các tỉnh vùng cao như Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, dân tộc Thái có những nét phong tục tập quán riêng khiến khách du lịch cảm thấy vô cùng mới lạ.
Tết của người Thái cũng có những điều thú vị, mang đậm bản sắc riêng. Theo tập tục, người Thái bắt đầu ăn tết từ 25 tháng Chạp cho tới hết mùng 10 tháng Giêng của năm mới. Cũng như các dân tộc khác, mâm cơm trong ngày tết của người Thái được chuẩn bị chu đáo, giữ được nét cầu kỳ riêng biệt.
Những cô gái Thái với chiếc khăn piêu sặc sỡ. Ảnh: I.T
Mâm cỗ tết của người Thái cúng tổ tiên bằng các sản vật săn bắn được, họ gói thêm bánh chưng với 2 loại, đen và trắng. Để làm bánh chưng đen, dân bản đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi mới gói. Muốn bánh có màu đen đẹp bóng, ngay từ tháng 10 âm lịch, sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn nếp dẻo thơm nhất và rơm cọng to, có màu vàng ươm về cất sẵn. Ngoài ra, trước khi gói bánh thêm ít hạt vừng xay nhỏ trộn vào để tạo vị đậm đà cho bánh. Bánh chưng của dân tộc Thái thường ít dùng nhân bởi quan niệm rằng hương vị của tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của nếp mới, rơm vàng và lá dong.
Mâm cơm cúng tổ tiên của người Thái gồm những sản vật của núi rừng. Ảnh: I.T
Một phong tục của người Thái không thể thiếu được trong sáng mùng 1 đầu năm, đó là tục đi lấy nước ở suối về. Người Thái quan niệm rằng nước là điều may mắn, đem lại sự sống và tốt tươi.
Vào những ngày mùa xuân cũng là mùa của đôi lứa yêu nhau. Và “chọc sàn” là phong tục đẹp trong hôn nhân của trai gái dân tộc Thái.
Sau những buổi gặp gỡ trên nương, trong các phiên chợ, nếu cô gái ưng thuận chàng trai nào thì gợi ý bằng ánh mắt, để chàng trai đến chọc sàn. Vì vậy thường khi mùa vụ xong xuôi, thóc ngô đầy nhà, vào ban đêm, ở những nhà có con gái đến tuổi cập kê đều vang lên những tiếng lộc cộc.
Các chàng trai thường chọn thời điểm khoảng 11 h đêm, khi mọi người đã ngủ hết để đến nhà bạn gái. Họ mang theo một số nhạc cụ như sáo, nhị, tính tẩu, đàn môi và một đoạn gỗ nhỏ dài chừng nửa mét để gõ lên sàn, nơi cô gái đang nằm.
Chàng trai sẽ thổi sáo, đánh đàn gửi gắm tình yêu, lời tỏ tình qua những câu hát da diết, yêu thương. Khi đến gần sàn, chàng trai lấy một đoạn gỗ nhỏ chọc lên đúng chỗ nàng nằm. Nếu cảm thấy ưng thuận, cô gái sẽ ra mở cửa. Họ có thể ngồi trò chuyện trong nhà, hay ra ngoài sân, lên những thửa ruộng bậc thang ngồi tình tự.
Sau vài đêm chuyện trò như vậy, chàng trai thổ lộ chuyện muốn cưới cô gái về làm vợ. Nếu cô gái đồng ý, chàng trai về thưa chuyện với bố mẹ và đưa bố mẹ đến hỏi cưới.
Sau đó, chàng trai phải ở rể nhà cô gái, trở thành một người trụ cột chính trong gia đình. Sau một thời gian (khoảng 3-6 năm, tùy nhà gái yêu cầu), chàng trai sẽ làm một lễ tạ ơn bố mẹ đã sinh ra người vợ cho mình, và thêm một lần cưới nữa để đưa cô gái về nhà. Tuy nhiên, tập tục này ở một số địa phương cũng đang bị mai một dần.