Moody’s lại hạ bậc triển vọng 18 ngân hàng Việt
Moody’s xem xét hạ bậc tín nhiệm của Việt Nam là không phù hợp |
Theo đó, 18 ngân hàng bao gồm: ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienvietPostBank, MBBank, NamABank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, MSB, VPBank và Techcombank.
Đối với 10 trong 18 ngân hàng, Moody’s giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ và nội tệ dài hạn, trong khi đó thay đổi triển vọng các ngân hàng này sang Tiêu cực.
Trong 10 ngân hàng này, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín dụng cơ bản (BCA) và BCA dài hạn đối với 4 ngân hàng, cũng như đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CR Assessments) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của 6 ngân hàng.
Còn 5 ngân hàng tiếp theo, Moody’s giữ xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn và thay đổi triển vọng về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn thành Tiêu cực. Đồng thời, Moody’s cũng xác nhận Đánh giá Rủi ro Đối tác và Đánh giá Rủi ro Đối tác dài hạn của 3 ngân hàng còn lại.
ABBank nằm trong danh sách hạ bậc triển vọng. |
Theo Moody’s, việc xem xét đánh giá xếp hạng của 18 ngân hàng được thực hiện bắt đầu từ ngày 10/10/2019, sau khi Moody xem xét hạ xếp hạng chủ quyền của Việt Nam vào ngày 9/10/2019.
Tổ chức này cũng cho biết, việc thay đổi xếp hạng với 18 ngân hàng này không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng.
Moody’s cũng vừa thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 (có yếu tố đầu tư, nhưng rủi ro tín dụng đáng kể) đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh triển vọng xuống Tiêu cực, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019.
Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định điều chỉnh giảm triển vọng tín nhiệm của Việt Nam bắt nguồn từ nhận định cho rằng vẫn tiềm ẩn rủi ro, tuy không còn đáng kể, của việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Lên tiếng về việc này, theo Bộ Tài chính, việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công, là không xác đáng.
Theo Bộ Tài chính, Moody’s ghi nhận rằng với việc tập trung giám sát và phối hợp để đảm bảo các nghĩa vụ trả nợ được bố trí nguồn và xử lý thủ tục thanh toán kịp thời, rủi ro tái diễn tình trạng chậm trả nợ đã thuyên giảm đáng kể.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhìn nhận rằng tín hiệu của Moody’s đưa ra về việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng của Việt Nam (với triển vọng Tiêu cực) là không tương xứng với chỉ đạo hết sức quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, cũng như với hàng loạt các biện pháp mà Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong thời gian qua đã triển khai để cải thiện công tác phối hợp hành chính trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đảm bảo không gây tổn thất cho Bên cho vay.
Nhân dịp này, Bộ Tài chính khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo cam kết với các đối tác phát triển và tổ chức tài chính quốc tế. Quan điểm này cũng thể hiện rõ qua việc Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.
Để sự việc chậm trả nợ được Chính phủ bảo lãnh không phát sinh trong thời gian tới, có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ cũng như ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành và cơ quan liên quan đảm bảo bố trí nguồn và thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn.
Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực để một mặt đảm bảo khả năng trả nợ, duy trì bền vững nợ công và an ninh tài chính quốc gia trong khi vẫn đảm bảo nguồn lực để phát triển...