Mẹo "rinh" điểm cao trong bài thi chuyên Địa

Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, cô Bùi Thị Thu Hương, giáo viên môn Địa lý, Trường THCS Quài Cang (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đã chia sẻ kinh nghiệm ôn thi môn Địa để học sinh tự tin đạt điểm cao vào lớp 10 trường Chuyên.
Bí kíp chinh phục điểm cao môn Ngữ Văn cho kỳ thi vào lớp 10 Bí quyết tránh "rơi điểm" khi làm bài thi môn Toán

Biến kiến thức khô khan thành bài học hấp dẫn

Từ trước đến nay, môn Địa lý vốn được xem là môn học khô khan, nhàm chán, nhưng nếu có niềm đam mê, tư duy, khả năng xử lý và vận dụng số liệu, học sinh hoàn toàn có thể giành điểm số cao và thi đỗ vào ngôi trường mình mong muốn.

“Điều quan trọng nhất để việc học môn Địa lý đạt kết quả tốt, đó là học sinh phải có đam mê với môn học này. Vì vậy, việc giáo viên có thể biến những kiến thức khô khan, khó học của môn Địa lý thành kiến thức dễ học, dễ nhớ, từ đó, giúp học sinh yêu quý môn Địa là một điều rất quan trọng”, cô Thu Hương chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô.

Theo cô Hương, môn địa lý có sự thuận lợi khi học sinh được sử dụng Atlat, vì vậy, học sinh cần biết cách sử dụng Atlat thuần thục. Kết hợp với lượng kiến thức đã ôn tập, thí sinh hoàn toàn có thể dễ dàng chinh phục 50% số điểm của bài thi.

Địa lý không nặng về công thức, phép tính như môn Toán, cũng không “ướt át” như môn Văn, môn Địa chỉ cần tư duy là có thể học được. Bởi lẽ đó, người giáo viên có nghĩa vụ phải làm cho tất cả vấn đề của bộ môn này trở nên dễ dàng hơn, chứ không được nâng lên cho phức tạp. Khi đó, học sinh sẽ thêm yêu thích môn học và giáo viên cũng dễ dàng nâng dần nâng độ khó trong giáo trình để cải thiện trình độ cho các em.

Mẹo
Cô Hương trong 1 tiết giảng dạy môn Địa lý cho học sinh

Phác thảo đề cương cho từng câu hỏi

Ở mỗi bài giảng trên lớp, cô Hương thường hệ thống hoá kiến thức bằng sơ đồ tư duy, dạy học sinh cách học, cách làm bài với từng dạng đề riêng biệt. Tuỳ vào mỗi phần câu hỏi của đề thi sẽ có mức độ yêu cầu riêng của đề, cụ thể như sau:

Câu hỏi trình bày: Đây là dạng câu hỏi ở mức độ dễ (nhận biết/thông hiểu). Thí sinh thuộc bài là có thể trả lời được câu hỏi. Tuy nhiên, để trả lời tốt câu hỏi này, học sinh phải nêu được vấn đề cần trình bày, xác định trọng tâm câu hỏi để “hỏi gì đáp nấy” cho phù hợp, tránh tản mạn, lạc đề và mất thời gian dành cho câu hỏi khác.

Vì vậy, muốn học sinh nêu được, cái dễ nhất là dạy học sinh cách học, dạy cách nhìn vào Atlat, vì khi nhìn vào Atlat, nắm được tất cả những thông tin cần thiết, học sinh sẽ trình bày được thông tin đề bài yêu cầu.

Câu hỏi giải thích: Đây là dạng câu hỏi khó, yêu cầu thí sinh trả lời câu hỏi “Tại sao?”, đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức cơ bản mà còn phải biết vận dụng chúng để giải thích một hiện tượng địa lí. Để làm bài tốt, thí sinh cần chú ý tổng hợp các kiến thức được tích lũy và các mối liên hệ nhân quả, vì cái nọ mà ra cái kia.

Vì vậy, người giáo viên phải luôn luôn đặt cho học sinh câu hỏi “Tại sao phải có cái nọ?”, “Tại sao phải có cái kia?”, điều này sẽ giúp học sinh tìm hiểu được nguyên nhân, khi đó sẽ có các giải pháp cụ thể.

Dạng câu hỏi phân tích, chứng minh: Để làm được dạng câu hỏi này, theo cô Hương, các bạn học sinh cần nắm vững kiến thức và cả số liệu thống kê để chứng minh/phân tích theo yêu cầu của đề bài.

Dạng câu hỏi so sánh: Riêng đối với dạng câu hỏi này, thí sinh nên kẻ bảng so sánh cho rõ ràng, mạch lạc. Các bạn học sinh cần nêu được sự giống và khác nhau giữa 2 hay nhiều vùng miền, hiện tượng địa lí.

Mẹo "rinh" điểm cao trong bài thi chuyên Địa
Ảnh minh hoạ

Lưu ý, học sinh không nên trả lời theo kiểu trình bày lại kiến thức của các đối tượng so sánh mà cần phải tổng hợp kiến thức, từ đó rút ra được sự giống và khác nhau theo các tiêu chí so sánh phù hợp.

Cô Hương nhấn mạnh, để không thiếu ý cho bài, sau khi nhận dạng được đề thi, thí sinh nên dành ít phút phác thảo đề cương trả lời cho từng câu hỏi để đảm bảo câu trả lời đủ ý mà không bị lặp lại, lan man.

Ví dụ, trình bày đặc điểm tự nhiên của vùng đồng bằng sông Hồng. Đầu tiên, học sinh phải trình bày được khí hậu, địa hình, đất, sinh vật… của vùng, sau đó, nêu bật được thế mạnh phát triển của vùng, ví dụ đất ở vùng Đồng Bằng sông Hồng là đất phù sa thì chắc chắn có thế mạnh về trồng lúa, từ trồng lúa, cộng với số dân đông sẽ dẫn tới phát triển được chăn nuôi lợn để đáp ứng được cho số dân đông đấy…

Phải phác thảo ra như vậy, học sinh mới đảm bảo không thiếu ý và khi làm đến các vùng khác, học sinh sẽ dễ dàng hình dung ra vấn đề và tự làm được những dạng bài tương tự, tránh việc ôn tủ.

"Khi học sinh đã nắm chắc được kiến thức nền, cho dù gặp dạng câu hỏi nào thì cũng không phải là vấn đề lớn đối với học sinh. Khi làm bài, học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu hỏi, căn cứ vào số điểm chia cho từng câu, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Đối với biểu đồ, cần đọc kỹ cụm từ đề dẫn của câu hỏi để xác định đúng dạng biểu đồ theo yêu cầu đầu bài; trình bày bài thi cần sạch đẹp, rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn theo các ý; không nên viết tắt quá nhiều, viết sai chính tả, câu văn lủng củng, trình bày lan man”, cô Hương nói.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động