Lỗ lũy kế 2.860 tỷ đồng, cổ phiếu Ocean Group tiếp tục bị kiểm soát
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa thông báo về việc tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu OGC của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group).
Theo HOSE, ngày 14/4/2017, Sở này đã ra Quyết định số 125/QĐ-SGDHCM đưa cổ phiếu OGC của Ocean Group vào diện kiểm soát kể từ ngày 21/4/2017 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là -1.780,18 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2016 là -727,93 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 -2.479,73 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 và 2016.
Tại thời điểm 31/12/2018, tài sản ngắn hạn của OGC nhỏ hơn nợ ngắn hạn 285 tỷ đồng, số lỗ lũy kế lên tới 2.861 tỷ trên vốn 3.000 tỷ đồng. |
Từ đó đến nay, HOSE tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu OGC của Ocean Group. Ngày 10/4/2019, HOSE đã nhận được báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2018 của OGC.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2018 là 26,01 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2018 là -2.860,99 tỷ đồng và vẫn còn vấn đề ngoại trừ và nhấn mạnh đã tồn tại trước đây.
Ngày 11/4/2019, HOSE đã nhận được công văn số 074/2019/CV-OGC ngày 10/4/2019 của OGC giải trình các vấn đề ngoại trừ và nhấn mạnh của kiểm toán trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất kiểm toán năm 2018.
Trên cơ sở đó, HOSE tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu OGC do công ty vẫn còn lỗ lũy kế nhiều và những vấn đề ngoại trừ trên báo cáo tài chính kiểm toán tồn tại đã lâu và công ty vẫn chưa khắc phục. Việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu OGC sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2019 của Ocean Group.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 19/4/2019, cổ phiếu OCG đang ở mức giá 4.150 đồng/cổ phiếu, giảm gần 85% so với thời điểm đầu niêm yết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên báo cáo kiểm toán năm 2018 của OGC, Công ty kiểm toán AASC đưa ra ý kiến ngoại trừ về con số 3.665 tỷ đồng ở khoản mục phải thu dài hạn của công ty. Kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi của các khoản này, AASC không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số dư gốc và lãi phát sinh tương ứng hay không, hiện trên báo cáo đã trích lập dự phòng hơn 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty cũng có khoản hỗ trợ vốn và khoản phải thu về chi phí sử dụng vốn, các khoản đầu tư khác đã quá hạn thanh toán được trích lập dự phòng. Sau khi trích lập dự phòng giá trị khoản hỗ trợ vốn là 117 tỷ đồng, số dư gốc là 1.576 tỷ đồng. Kiểm toán không thu thập được bằng chứng về giá trị có thể thu hồi.
Ngoài ra, công ty kiểm toán cũng nhấn mạnh tại thời điểm 31/12/2018, tài sản ngắn hạn của OGC nhỏ hơn nợ ngắn hạn 285 tỷ đồng, số lỗ lũy kế lên tới 2.861 tỷ trên vốn 3.000 tỷ đồng. Những yếu tố này cùng với các yếu tố ngoại trừ nói trên khiến kiểm toán cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.