Lãnh đạo EU: Bước đi của Tổng thống Trump đã hủy hoại quan hệ xuyên Đại Tây Dương
EU lên kế hoạch chặn Trung Quốc, Mỹ thâm nhập ảnh hưởng kinh tế Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ 1/8/2020 |
Ông Josep Borrell – Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU. Ảnh: Shutterstock |
Theo ông Josep Borrell, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công, chỉ trích EU đã hủy hoại nghiêm trọng quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tăng thêm tinh thần tự quyết cho châu Âu trong theo đuổi con đường riêng khi đối mặt với thách thức đang nổi.
Khi khác biệt quan điểm ngày một lớn, từ Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông, thương mại, chi tiêu quân sự và việc Washington rút khỏi các thiết chế và hiệp ước quốc tế, ông Borrell khẳng định châu Âu sẽ không hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ về thực thi cách thức tiếp cận đối đầu mạnh hơn với Bắc Kinh.
“Chúng tôi gần gũi với Mỹ hơn là Trung Quốc, bởi chúng tôi chia sẻ cùng một hệ thống chính trị và điều đó tạo ra các biệt lớn. Nhưng khi nói đến những thách thức mà Washington gặp phải, rõ ràng EU cũng không ở cùng một cấp độ đối đầu hệ thống với Trung Quốc”, ông Borrell bày tỏ quan điểm khi trả lời phỏng vấn trong tuần này.
Phát biểu sau khi chủ trì cuộc hội đàm trực tuyến giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với các đồng cấp EU, ông Borrell nhìn nhận việc Tổng thống Trump tấn công EU “như kẻ thù” đã nới rộng những rạn nứt đã từng xuất hiện trước khi ông lên nhậm chức.
“Quan hệ không thể như cũ, nếu chỉ xuất phát từ một bên bờ Đại Tây Dương. Có một số người nghĩ rằng EU được tạo ra để hủy hoại nước Mỹ. Tôi nghĩ đó là lối hiểu biết sai lệch về lịch sử”, cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU bày tỏ.
Theo ông, nhiều quyết định gần đây của Mỹ đã phớt lờ lợi ích của châu Âu. Nổi bật trong số này là việc Washington lên kế hoạch rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữa thời điểm khủng hoảng COVID-19, kế đến là đe dọa trừng phạt nhằm vào Tòa án Hình sự Quốc tế và ý định rút khỏi Hiệp định Bầu trời mở ký với Nga năm 1992 nhằm giảm nguy cơ căng thẳng quân sự Nga-Mỹ.
“Nếu tôi là bạn thân của anh và rồi anh đưa ra quyết định có liên lụy đến tôi mà không hề xem xét lợi ích của tôi, thậm chí không buồn thông báo trước, đương nhiên tôi phải có quyền nói là mình có đồng ý hay không đồng ý”, ông Borrell bày tỏ quan điểm.
Những căng thẳng kiểu như vậy có thể sẽ còn tăng lên khi nước Mỹ hướng đến kỳ bầu cử Tổng thống diễn ra trong tháng 11 tới. Washington đang đe dọa sẽ đơn phương xé bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bất chấp phản đối quyết liệt từ EU.
Nhiều nước châu Âu cũng coi việc Washiongton đồng ý với kế hoạch của Israel về sáp nhập một phần Bờ Tây sau ngày 1/7 là cú đánh chết người đối với giải pháp hai nhà nước. Trong tuần này, chính ông Trump cũng đã lên tiếng xác nhận kế hoạch rút khoảng 9.500 binh sĩ khỏi Đức, khiến các đồng minh của Mỹ trong NATO lo ngại.
Liên quan đến vấn đề Iran, ông Borrell – người đứng đầu thiết chế giám sát thỏa thuận hạt nhân Iran, cho biết luôn sẵn sàng cho việc sửa đổi, mở rộng thỏa thuận, nhưng với điều kiện phải trên cơ sở thỏa thuận hiện tại. Theo ông, thỏa ước có thể được tái tạo, mở rộng, xem xét lại, nhưng không thể vứt bỏ thỏa thuận đã có để khởi động một cái mới từ con số không.
Về Trung Quốc, ông Borrell cho rằng Washington và Brussels cần đối thoại nhiều hơn nữa, nhất là qua kênh song phương thiện chí để thảo luận về những thách thức mà Bắc Kinh đang tạo ra. Những tiếp xúc như thế cần duy trì đều đặn, không nên theo kiểu “hời hợt”.
Nhà ngoại giao kỳ cựu người gốc Bồ Đào Nha này cho rằng, xử lý quan hệ với Trung Quốc là thách thức ngày một lớn với EU – khối vốn xem Bắc Kinh là đối tác xen lẫn đối thủ về kinh tế và là “đối thủ có hệ thống” về chính trị. Mỹ đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về coi Trung Quốc là mối đe dọa toàn cầu, nhưng các nước thành viên EU có tiếng nói, quan điểm khác nhau về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc như tình hình Hong Kong, nhân quyền.
Ông thừa nhận Trung Quốc là mối đe dọa quân sự với châu Á - điều có thể phần nào thấy rõ trong cuộc đụng độ với Ấn Độ gần đây ở khu vực biên giới vừa qua, đồng thời là nguy cơ tiềm tàng với châu Âu về công nghệ.
Nhưng ông Josep Borrell bác bỏ ý tưởng cho rằng EU sẽ phải cuốn vào một cuộc xung đột với Bắc Kinh. Trong điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tuần trước, ông khẳng định “EU sẽ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” để đáp lại việc đồng cấp Trung Quốc đề cập đến nguy cơ này.