Làm sao để tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên facebook?
Nghi vấn làm giả văn bản của Cơ quan Nhà nước để chiếm đoạt tài sản Chiếm đoạt tài sản qua ví điện tử, dịch vụ trung gian thanh toán |
Câu hỏi: Tôi có quen 1 người bán hàng trên mạng xã hội facebook . Cô ấy năm nay 20 tuổi. Cô ấy có giao dịch bán hàng với 1 số bạn ở tỉnh khác thông qua thẻ ngân hàng atm.
Họ chuyển tiền vào tài khoản cô ấy. Cô ấy nhận đươc tiền nhưng không gửi đồ cho họ (đồ chủ yếu là quần áo). Có một số người thì cô ấy gửi đồ cho, đa phần là không gửi .
Khi mất thẻ atm, cô ấy mượn thẻ atm của bạn thân để tiếp tục hành vi trên. Nếu gộp tất cả những người đã chuyển tiền cho cô ấy mà chưa nhận được hàng thì khoảng 5 - 6 người. Tổng số tiền lên đến gần 15 triệu. Còn tách ra thì có người 600.000đ, có người 2.000.000đ - 3.000.000đ.
Vậy, tôi muốn hỏi quý luật sư là những bạn kia có làm đơn tố cáo cô bạn kia về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được không? Người cho mượn thẻ atm có bị liên quan không? Và nếu bị đưa ra pháp luật thì người bán hàng kia mắc phải những tội gì?
Lừa đảo qua Facebook sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa |
Luật sư tư vấn:
Luật sư Văn phòng Luật Minh Khuê cho biết, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ."
Dấu hiệu pháp lý: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối.
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thỏa mãn một trong các dấu hiệu: Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên; hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt hoặc về một trong các tội quy định tại điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;....
Theo quy định trên thì hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi khác nhau. Đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. giữa hai hành vi này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối.
Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật.
Xét về mặt khách quan, hành vi lừa dối là hành vi đưa ra những thông tin giả. Về mặt chủ quan, người phạm tội biết đó là thông tin giả nhưng mong muốn người khác tin đó la sự thật. hành vi lừa dối như vậy có thể được thực hiện qua lời nói, việc xuất trình những giấy tờ sai sự thật hoặc qua những việc làm cụ thể (cân, đong, đo, đếm thiếu).
Ở mỗi hình thức như vật người phạm tội có thể có những thủ đoạn thực hiện cụ thể khác nhau. Những thủ đoạn thực hiện cụ thể này không có ý nghĩa về mặt định tội. Đã là hành vi lừa dối thì dù được thực hiện bằng thủ đoạn nào cũng đều có thể là hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hành vi lừa dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện là nhằm thực hiện việc chiếm đoạt tài sản. Những hành vi lừa dối nhằm mục đích khác dù mục đích này có tính tư lợi cũng không phải là hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội lừa đảo có hai hình thức thể hiện cụ thể:
- Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối. Vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã giao nhầm tài sản. Khi nhận được tài sản cũng là lúc người phạm tội lừa đảo đã làm chủ được tài sản định chiếm đoạt và người bị lừa dối mất khả năng làm chủ tài sản đó trên thực tế. Tội lừa đảo coi là hoàn thành ở thời điểm này – thời điểm người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.
- Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối. Vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã nhận nhầm tài sản (nhận thiếu, nhận sai loại tài sản được nhận) hoặc không nhận. Khi người bị lừa dối nhận nhầm hoặc không nhận tài sản cũng là lúc người phạm tội lừa đảo đã làm cho được tài sản bị chiếm đoạt và người bị lừa dối đã mất tài sản đó. Tội phạm coi là hoàn thành từ thời điểm này – thời điểm người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.
Thông thường hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra kế tiếp ngay sau hành vi lừa dối. Nhưng cũng có trường hợp giữa hau hành vi này có khoảng cách nhất định về thời gian. Ở đây cần chú ý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ coi là hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt xảy ra.
- Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
Người phạm tôi biết mình có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối đó có kết quả để có thể chiếm đoạt được tài sản.
Theo đó, căn cứ vào những dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và những tình tiết bạn đưa ra, những người bị hại có thể thực tố cáo người có hành vi lừa đảo đó tại cơ quan công an nơi người đó đang cư trú. Kèm theo đơn tố cáo là những bằng chứng, chứng cứ chứng minh cho hành vi lừa đảo này.