Làm rõ vai trò của nữ giáo viên phân phối thuốc lá nhập lậu

Vắng mặt tại thời điểm kiểm tra, nữ giáo viên Lại Thị Thêm (sinh năm 1987, trú tại xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) bị lực lượng chức năng Công an quận Hoàng Mai truy tìm.
Thanh Hóa: Bắt giữ 1 xe tải chở 4.500 bao thuốc lá lậu CSGT bắt giữ hàng ngàn bao thuốc lá không rõ nguồn gốc Khen thưởng Hải quan vụ bắt hơn 3 triệu bao thuốc lá ngoại nhập lậu

Theo tài liệu điều tra, ngày 12/3, trong quá trình tuần tra kiểm soát địa bàn, tổ công tác Công an phường Yên Sở, quận Hoàng Mai bắt quả tang Nguyễn Văn Khánh (SN 1989, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) điều khiển xe máy chở 2 bao tải chứa số lượng lớn thuốc lá mang nhãn hiệu CHAPMAN, do nước ngoài sản xuất.

Thuốc lá không nguồn gốc bị thu giữ (ảnh IT)
Thuốc lá không nguồn gốc bị thu giữ (ảnh IT)

Kết quả kiểm đếm xác định có tổng số 2.970 bao, và tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Tại cơ quan Công an, Khánh khai nhận được thuê chở đi giao cho khách ở phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội. Tại địa điểm mà Nguyễn Văn Khánh khai nhận, cơ quan Công an thu giữ tổng cộng 1.449 bao thuốc lá và 120 bao xì gà, đều do nước ngoài sản xuất và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Liên quan đến số hàng cấm này là 1 nữ giáo viên, song người này vắng mặt tại thời điểm kiểm tra.

Chân dung Lại Thị Thêm (ảnh IT)
Chân dung Lại Thị Thêm (ảnh IT)

Mở rộng điều tra, cơ quan Công an làm rõ “nhà phân phối” thuốc lá ngoại nhập lậu là Lê Thị Thêm. Tại nhà Thêm, lực lượng chức năng phát hiện 14 thùng carton chứa gần 6.700 bao thuốc lá và gần 1.200 bao xì gà gồm nhiều nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất.

Mới đây, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Thêm để điều tra về hành vi “Buôn bán hàng cấm” đồng thời tiếp tục xác định vai trò tiêu thụ hàng cấm của Lê Thị Thêm. Hiện Thêm không có ở nơi cư trú.

Hoạt động kinh doanh, sản xuất, buôn bán hàng cấm là một trong những hoạt động bất hợp pháp, bị pháp luật nghiêm cấm và bị xử lý một cách nghiêm minh.

Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được quy định, hướng dẫn tại Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể:

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối;

b) Hàng phạm pháp khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Hàng phạm pháp khác trị giá dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

đ) Buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Hàng phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm:

a) Hàng phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Hoa Thành
Phiên bản di động