Đảng viên trẻ Nguyễn Ngọc Khánh và “dự án tri ân” đặc biệt:

Kỳ 2: Nước mắt ngày “đoàn viên”

Vậy mà lời hẹn “mai mốt” ấy dài đằng đẵng bằng cả một cuộc đời, một cuộc đời với từng phút, từng giây chờ đợi. Đâu chỉ có những người mẹ đợi con, những người vợ đợi chồng, em đợi anh, mà cả những đứa trẻ thơ dại ngày nào, bây giờ đã lên ông, lên bà vẫn chưa thôi đợi bố. Và hôm nay, tấm di ảnh được trao đến tận tay họ như thêm một lần đón người thân của mình trở về. Nước mắt ngày “đoàn viên” bao bùi ngùi, xúc động.
Phát huy vai trò cầu nối giữa thành phố với đoàn viên, người lao động Đà Nẵng: Hơn 104 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham gia tình nguyện hè 2023 Đẩy mạnh phối hợp nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đoàn viên thanh niên

Hơn một phần hai thế kỷ, con được gặp lại cha

“Ngày bố nó nhập ngũ, nó mới tròn 9 tháng tuổi. Cho mãi đến hôm nay, nó đã ngoài 50, tóc đã bạc, lên chức ông nội mới được nhận mặt bố qua tấm ảnh phục dựng này. Cuối cùng bố con cũng được gặp mặt nhau, thỏa nỗi lòng của người làm vợ, làm mẹ” - bà Lê Thị Mán ở tổ dân phố Bình Lạc, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô (85 tuổi), vợ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Chữ nói trong nước mắt nghẹn ngào.

Nguyễn Ngọc Khánh là một trong số những đảng viên trẻ tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác năm 2022
Đồng chí Nguyễn Ngọc Khánh là một trong số những đảng viên trẻ tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác năm 2022

Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Chữ sinh năm 1943. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1968, ông giáo làng đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Khi ấy, người con trai Nguyễn Ngọc Dự vẫn chưa tròn tuổi. Những năm tháng chiến tranh loạn lạc, dù không thư từ qua lại, nhưng bà Mán vẫn son sắt một niềm tin, rồi chồng bà cũng như bao thanh niên khác trong làng sẽ trở về cùng tin chiến thắng. Mãi đến năm 1976, bức thư từ chiến trường đã về với gia đình nhưng đau xót thay, đó lại là giấy báo tử của chồng bà - liệt sĩ Nguyễn Ngọc Chữ đã hy sinh năm 1969.

Vậy là nghĩa vợ chồng chỉ vỏn vẹn 3 năm. Chiến tranh đã mãi cướp đi quyền làm vợ của bà. Mãi mãi mang đi người bố của hai đứa con nhỏ dại còn chưa kịp nhớ mặt cha. Buồn thay, gia đình không có một tấm ảnh nào của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Chữ để làm ảnh thờ. Và mãi đến hôm nay, vẫn chưa tìm được hài cốt của liệt sĩ để đưa về quê nhà. Vậy là từ bấy đến nay, gần 50 mùa giỗ trôi qua, trên bàn thờ vẫn còn khoảng trống của một vuông ảnh. Nhưng khoảng trống vô hình trong lòng người vợ, người mẹ lại càng lớn hơn, khắc khoải hơn.

Ngày tấm ảnh được trao cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Ngọc Chữ, những giọt nước mắt thêm một lần rơi xuống. Có thể, đã vô tình gợi lại nỗi đau thương trong lòng người thân thêm lần nữa, nhưng chắc chắn rằng, đã có những niềm vui, niềm xúc động không chỉ của những người con được nhận mặt bố, cháu nhận mặt ông, mà những người làng cũng ngỡ ngàng vì sau bao nhiêu năm tháng đã gặp lại nụ cười hồn hậu, gặp lại ánh mắt thân quen của người hàng xóm, láng giềng. Mừng cho bố con anh Nguyễn Ngọc Dự nay đã được “đoàn tụ”.

Anh Dự chia sẻ: “Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể tin là mình còn có cơ hội nhìn mặt bố, gặp lại bố như thế này. Tấm ảnh đẹp, ý nghĩa và thiêng liêng quá. Gia đình tôi rất biết ơn chính quyền địa phương, đặc biệt là Đoàn Thanh niên đã quan tâm, giúp đỡ gia đình như niềm mong mỏi lâu nay”.

Gần 50 năm chờ ngày... "đoàn tụ"

Quê hương Tam Sơn ngày ấy đã hiến dâng cho Tổ quốc biết bao người con ưu tú. Họ đã anh dũng chiến đấu và ngã xuống, mang theo cả tuổi xuân của mình. Và liệt sĩ Nguyễn Văn Tác là một trong số những người con ưu tú đó. Anh hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi ở chiến trường Gia Lai - Kon Tum vào ngày 28/11/1974. Nén đau thương, 1 năm sau, người em trai là Nguyễn Mai Phong (sinh năm 1957) cũng đi theo con đường mà anh mình đã chọn, khoác lên người bộ quân phục xanh, chi viện cho chiến dịch tiếp quản Sân bay Tân Sơn Nhất thời bấy giờ.

Trong suốt thời gian đi chiến đấu ở các chiến trường, ông Phong không ngừng tìm kiếm thông tin về anh trai mình với mong muốn đưa anh về an táng tại quê nhà. Rồi cuộc chiến đi qua, hòa bình lập lại, mẹ ông lại khăn gói lên đường đi tìm con. Cho đến khi tuổi già sức kiệt, người đầu bạc vẫn đợi mái đầu xanh, vẫn mong mỏi được nhìn con thêm một lần qua di ảnh. Nhưng tiếc thay, liệt sĩ Nguyễn Văn Tác không để lại một tấm ảnh nào.

Cuộc hội ngộ qua di ảnh đầy xúc động
Cuộc hội ngộ qua di ảnh đầy xúc động

Cách đây 2 năm, đồng đội cũ có tìm thấy 1 bức ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Tác chụp cùng đơn vị trong thời gian huấn luyện ở Bắc Thái nhưng ảnh đã nhòe, không còn nhìn rõ nét. Dịp vừa rồi, tấm ảnh đã được trao cho nhóm của Nguyễn Ngọc Khánh để làm tư liệu phục dựng ảnh thờ cho liệt sĩ Nguyễn Văn Tác.

Kết hợp từ hình ảnh cũ cùng với những nét tương đồng từ gương mặt người thân, một tấm ảnh sắc nét về liệt sĩ Nguyễn Văn Tác đã được trao lại cho gia đình. Vậy là sau gần 50 năm, gia đình liệt sĩ đã được “đoàn tụ”, đủ mặt, đủ tên dù chỉ qua... di ảnh. Và đó cũng là tâm nguyện của mẹ ông lúc sinh thời.

Những câu chuyện chờ được viết tiếp

5 trong tổng số 13 bức ảnh chân dung của các liệt sĩ trên địa bàn thị trấn Tam Sơn đã được trao đến người thân, gia đình trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) vừa qua. 8 bức còn lại đang tiếp tục hoàn thiện thông tin, dữ liệu. Dự kiến sẽ hoàn thành và trao vào dịp Tết Nguyên đán năm 2024.

Ngoài ra, Khánh đang ấp ủ ý tưởng về một tấm ảnh đặc biệt - tấm ảnh về Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Quốc ở TDP Lạc Kiều ngồi cạnh hai con là liệt sĩ lúc trẻ. Trong số hai liệt sĩ đó, chỉ có một người có ảnh thờ. Dù biết việc phục dựng lại ảnh đơn sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến việc dựng lại tấm ảnh chung của mẹ và hai con, nhưng Khánh vẫn quyết tâm phối hợp với đơn vị phục chế sớm hoàn thiện món quà đặc biệt, ý nghĩa đó để tặng Mẹ.

Thị trấn Tam Sơn tổ chức trao ảnh chân dung liệt sĩ cho gia đình dịp 27/7 vừa qua.
Thị trấn Tam Sơn tổ chức trao ảnh chân dung liệt sĩ cho gia đình dịp 27/7 vừa qua.

Mẹ nay cũng đã gần trăm tuổi. Khánh thấu hiểu, ở tuổi như “chuối chín cây”, người già chỉ nuôi một ước vọng: Lá rụng về cội - ước vọng cuối cùng cũng là ước vọng đã đi cùng Mẹ trong suốt hành trình đi tìm bóng hình "núm ruột" trên khắp dải đất của Tổ quốc. Khánh vẫn giữ niềm tin như biết bao người mẹ trên dải đất hình chữ S này đã nuôi giữ lòng tin khi lặn lội đi tìm con...

Phó Bí thư Huyện Đoàn Sông Lô Hà Việt Hùng cho biết: "Đây là dự án phục dựng ảnh chân dung liệt sĩ đầu tiên được các đoàn viên thực hiện trên địa bàn huyện Sông Lô nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Tuy mới đi được nửa chặng đường nhưng đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân bởi xuất phát từ tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của thế hệ trẻ, nhằm tri ân những anh hùng, liệt sĩ của quê hương đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc. Hơn tất cả, phải ghi nhận tinh thần dám nghĩ, dám làm, đầy quyết tâm và quyết đoán của thủ lĩnh đoàn Nguyễn Ngọc Khánh. Không chỉ trong dự án này mà với các hoạt động, phong trào của Đoàn, Khánh luôn nỗ lực làm mới và đem lại nhiều kết quả đáng để để các đơn vị khác học tập, nhân rộng".

Với những đóng góp của mình, năm 2021, Nguyễn Ngọc Khánh đã được Trung ương Đoàn tặng Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ. Năm 2022, Tỉnh Đoàn tặng Bằng khen đã có thành tích trong công tác xây dựng tổ chức Đoàn, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị. Nguyễn Ngọc Khánh là một trong số những đảng viên trẻ tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác năm 2022.

Nghĩa cử cao đẹp của đảng viên trẻ Nguyễn Ngọc Khánh đã giúp những gia đình liệt sĩ thỏa lòng mong ước bấy lâu. Có những cuộc hội ngộ, đoàn viên mà chắc chắn rằng, chính những người trong cuộc cũng không ngờ đến. Nước mắt, nụ cười, buồn vui xen lẫn tâm trạng người ở lại. Tấm di ảnh thêm ấm lòng những người mẹ, người vợ, người con trong ngày giỗ, Tết khi các liệt sĩ vẫn chưa thể về yên nghỉ trên quê hương mình. Một tấm lòng thảo chắc chắn còn “thơm” đến cả mai sau. Cũng là nghĩa cử tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ đối với lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì cuộc sống bình yên hôm nay. Thay cho nén tâm nhang, người viết bài này cầu mong những liệt sĩ sớm được trở lại quê nhà.

Hoàng Cúc
Phiên bản di động