Kiến nghị cơ chế đặc biệt cho điện khí, điện gió ngoài khơi
Ngân hàng siết nợ nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam Nguyên tắc xây dựng khung giá phát điện của điện mặt trời, điện gió |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa chủ trì cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc chưa được pháp luật hiện hành quy định cụ thể để triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng thống nhất cần sớm báo cáo Chính phủ để kiến nghị với Quốc hội có Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII.
Trong đó, đối với riêng dự án điện gió ngoài khơi, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia cần được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.
Ảnh minh họa. |
Thời gian tới, để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty khí Việt Nam, Tổng công ty điện lực Dầu khí khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các dự án cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi để có đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương trước ngày 20/12/2023.
Lãnh đạo Bộ Công thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, tổng hợp báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về các cơ chế chính sách đặc thù trong triển khai thực hiện các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.
Theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80GW).
Trong đó, tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây dựng mới là 30.424MW (khí trong nước có 10 dự án với tổng công suất 7.900MW và LNG có 13 dự án với tổng công suất 22.824MW). Tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi khoảng 6.000MW và có thể tăng lên trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.
Qua thực tế triển khai dự án điện khí (bao gồm lựa chọn nhà đầu tư, lập, phê duyệt FS, đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng EPC) cần khoảng thời gian từ 7 - 8 năm. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6 - 8 năm kể từ lúc khảo sát.
Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ và cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu trung hoà cacbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.