Kiên Giang: Người giữ bình yên trung tâm Đảo Ngọc

Làm sao để giữ được sự bình yên của Đảo Ngọc? Đó là câu hỏi luôn đau đáu của các bộ chiến sĩ Công an huyện đảo Phú Quốc, trong đó có Trung tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
kien giang nguoi giu binh yen trung tam dao ngoc

Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong những năm gần đây đã vươn mình trở thành một "điểm nóng" đầu tư và phát triển đô thị, du lịch. Điều này mang đến nhiều cơ hội cho Đảo Ngọc, nhưng cũng đi kèm không ít thách thức, trong đó có tình trạng gia tăng số lượng tội phạm các nơi đổ về “làm ăn”.

Làm sao để giữ được sự bình yên của Đảo Ngọc? Đó là câu hỏi luôn đau đáu của các bộ chiến sĩ Công an huyện đảo Phú Quốc, trong đó có Trung tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Tiếp chúng tôi vào một ngày cuối năm, Trung tá Chánh cho biết anh vốn không sinh ra trên huyện đảo Phú Quốc, mà ở Phụng Hiệp, Hậu Giang. Anh vào ngành Công an cách nay hơn 20 năm (1995), nhưng mãi đến năm 2003 mới chuyển ra huyện đảo công tác.

Khi đó, Phú Quốc còn vắng hoe, chưa phát triển. “Lúc đó toàn đường rừng, cây cối nhiều, nhà cửa lại nằm sâu bên trong nên mình lạc đường thường xuyên, cứ đi một đường lại về một đường. Nhiều khi về ban đêm bị chim bắt muỗi bay ra làm giật mình thon thót”, Trung tá Chánh nhớ lại.

Trung tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Trung tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Thách thức từ đô thị hóa

Từ khi ra huyện đảo, anh đã trải qua công tác ở 8 đội nghiệp vụ của Công an huyện, từ đội điều tra cho đến quản lý hành chính, an ninh, tham mưu tổng hợp, hình sự, CSGT… Chính nhờ đó, anh đã tích lũy cho mình được khá nhiều kinh nghiệm trước khi về làm Phó Công an thị trấn Dương Đông vào năm 2011, phụ trách hình sự. Đến năm 2014, anh được bổ nhiệm lên Trưởng Công an thị trấn Dương Đông.

Trung tá Lê Minh Chánh cho biết thời điểm anh về nhận công tác ở Dương Đông cũng chính là lúc thị trấn này bắt đầu phát triển, dân cư tăng khá nhanh, một năm tăng ít nhất 2.000 người, nhiều nhất là 4.000 người. Đến nay, tổng số dân ở thị trấn lên tới 49.427 người có thường trú, tạm trú lâu dài. Trong khi đó, du khách vào lúc cao điểm khoảng 14-15.000 người, thấp điểm khoảng 4-5.000 người (khách lưu trú qua đêm).

Dương Đông cũng là thị trấn trung tâm của Phú Quốc, nên sau khi hệ thống đường, điện hoàn thiện, dân cư tất cả các vùng ven đều gom về đây chơi. Do đó một đêm Công an thị trấn Dương Đông phải quản lý từ 55.000-60.000 người, hơn nữa địa bàn khá phức tạp. Trong khi đó, lực lượng Công an thị trấn khá mỏng. “Công an thị trấn khi ấy chỉ có hơn chục người, nhưng 4-5 người được cử đi học. Do đó, mỗi đêm trực chỉ có 1 chỉ huy và 3 chiến sĩ”, Trung tá Chánh hồi tưởng. Anh cho biết khi mới về thị trấn, một năm ở đây có đến 15-16 vụ giết người. Nhưng về sau số vụ giết người ngày càng giảm, đến nay chỉ còn khoảng 2 vụ (2017-2018).

Phú Quốc là một hòn đảo có vị trí địa chính trị chiến lược nên được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm. Nơi đây cũng là một điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi. Vì vậy, Phú Quốc thu hút các nhà đầu tư. Theo quy luật xã hội, nơi nào phát triển mạnh thì sẽ thu hút người dân tập trung, và tội phạm sẽ kéo tới, nên cùng với làn sóng phát triển kinh tế, đô thị hóa, hoạt động buôn bán đất đai ở Phú Quốc đã trở nên rất nóng và phức tạp, thu hút giới xã hội đen và cho vay nặng lãi. Giá đất ở Phú Quốc biến động cực kỳ phức tạp, thu hút lượng lớn nhà đầu tư, khiến dòng tiền lưu thông lên đến 200 tỷ/ một ngày.

Thêm vào đó, do sự phát triển ở Phú Quốc quá nhanh, người dân địa phương vốn hiền hòa chưa biết chủ động đối phó với các tình huống tội phạm chuyên nghiệp, manh động. Trong khi đó đội ngũ cán bộ vừa mỏng vừa còn hạn chế về nhận thức nên gặp khó khăn trước các vấn đề mới nảy sinh. Trong quá trình phát triển, quản lý đất đai ở đây còn nhiều kẻ hở. Nhiều thửa đất chưa được cấp giấy, có nơi do giấy làm tay nên con số chưa chính xác. Đất mua đi bán lại qua nhiều tay để kiếm lời nên phát sinh nhiều vấn đề, Trung tá Chánh cho biết.

Khi phát sinh mâu thuẫn, để giải quyết người dân đưa ra chính quyền, chính quyền cấp huyện còn mỏng nên việc giải quyết mâu thuẫn không kịp nhu cầu. An ninh trật tự trên địa bàn vì vậy mà phức tạp. “Lúc cao điểm sốt đất, Phú Quốc có khoảng 200-300 đối tượng hình sự từ nơi khác đến, như từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… Những đối tượng này đến bao chiếm đất, rào đất thuê, tranh chấp đất, cho vay nặng lãi, bảo kê…”, Trung tá Chánh nói. “Ngoài ra còn một số tội phạm khác như ma túy, trộm cắp, cướp giật”.

Nỗ lực giữ yên Đảo Ngọc

Từ năm 2015, lãnh đạo huyện đã xây dựng một số phương án, ban hành một số nghị quyết về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy trên địa bàn Phú Quốc, quản lý cư trú trên địa bàn Phú Quốc. Tỉnh cũng tăng cường một số đoàn để triệt phá tội phạm ở một số thời điểm nên tội phạm có giảm, nhưng để duy trì thì không được.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2017, đầu năm 2018, Bộ Công an đã tăng cường cho Phú Quốc lực lượng Cảnh sát Cơ động, tỉnh cũng thành lập một tổ công tác ở Phú Quốc, Công an huyện cũng giao cho Công an các phường/xã tham mưu cho UBND một số phương pháp, nghị quyết để tấn công trấn áp tội phạm.

Do đó, đến cuối năm 2018 Công an đã quản lý được các băng nhóm và người đứng đầu, trên cơ bản tội phạm có xu hương lùi và kiềm chế hơn. Riêng ở Dương Đông dù tình hình phức tạp nhưng tội phạm giảm.

Để trấn áp tội phạm, Công an thị trấn Dương Đông đã có một số sáng kiến: (1) Bố trí lực lượng đi sát với nhân dân, giải quyết kịp thời các vấn đề ngay từ những mâu thuẫn nhỏ. (2) Từ đầu năm 2017, xây dựng hệ thống quản lý cư trú trên máy tính. Tất cả những người thường trú trên địa bàn chỉ cần nói tên là tìm ra ngay từ thời gian đến, ở bao lâu, địa chỉ cho đến các mối quan hệ nào. (3) Xây dựng lực lượng cán bộ bền vững, vì chỉ có Cảnh sát khu vực kỳ cựu mới nắm rõ những người mới, người cũ. (4) Người chiến sĩ thân thiện, luôn có nụ cười trên môi để tạo hình ảnh tốt với du khách cũng như tạo niềm tin cho dân. (5) Cương quyết với tội phạm, làm đúng trình tự pháp luật.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Chánh cho rằng một trong những mấu chốt thành công của lực lượng Công an là phải gắn kết với dân. “Để người dân tin tưởng, chia sẻ thông tin cho mình thì cán bộ Dương Đông phải thường xuyên tiếp cận dân trước, đến các hộ dân, tổ chức diễn đàn để lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Luôn tôn trọng ý kiến của dân, đặc biệt là giữ kín thông tin về người cung cấp tin”, Trung tá Lê Minh Chánh chia sẻ.

Với người dân, Trung tá Chánh luôn gần gũi và mong muốn người dân giúp đỡ lực lượng Công an; thông tin kịp thời, báo cho Công an về tội phạm, tệ nạn xã hội để kịp thời giải quyết. Với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách du lịch, Trung tá Chánh nhắn nhủ: “Phú Quốc luôn chào đón các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng, đầu tư, làm việc phát triển kinh tế, nhưng hãy làm bằng cái tâm của mình để mang lại lợi nhuận cao nhất nhưng trong sáng nhất”.

Theo CAND
Phiên bản di động