Kiên Giang: Bị đơn tố Công chứng viên làm giả hồ sơ chuyển nhượng đất

Bà Hà (Bị đơn) nói rằng, mình không biết chữ nhưng lại có một bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với đầy đủ chữ ký của bà. Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc đã căn cứ vào hợp đồng này để tuyên xử chấp thuận yêu cầu của nguyên đơn.
Kiên Giang buông lỏng quản lý, sử dụng đất đai Kiên Giang: Nhờ doanh nghiệp khắc phục tiền tỷ, lại quả gói thầu chục tỷ! Kiên Giang: Cả gia đình nguy kịch nghi ngộ độc cá nóc
4510 ba ha cung con gai di du toa
Bà Hà cùng con gái

Diễn biến vụ việc

Năm 2008, do cần tiền để chữa bệnh cho con, bà Lê Thị Hà bán khoảng 2.000m2 trong tổng số gần 5.000 m2 đất thuộc quyền sử dụng của mình tại Khu ấp Tượng, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho ông Phù Sách Xóc (sinh năm 1952, trú tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Do chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bà không biết chữ nên hai bên chỉ giao kèo việc mua bán bằng miệng với giá 65 triệu/1.000m2, tổng giá trị hợp đồng là 130 triệu đồng.

Sau khi thỏa thuận, ông Trương Văn Cường (Người môi giới mua bán đất) thay mặt ông Xóc mang 100 triệu đến đặt cọc cho bà Hà, ông Cường đã viết tờ biên nhận 100 triệu đồng để bà Hà cùng con gái là Nguyễn Thị Nguyên (tên gọi khác là Ngân) ký tên nhận tiền. Sau đó, ông Xóc tìm gặp bà Hà để trả tiền lần 2 với số tiền là 30 triệu.

Vài tháng sau, ông Xóc cho người rào lại phần đất đã mua có diện tích khoảng 2.000m2 để tách bạch với phần đất còn lại. Do bà Hà không biết chữ, ông Xóc đã cho bà Hà 8 triệu đồng để làm chi phí đi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến ngày 31/03/2011, bà Hà được cấp Giấy CNQSDĐ với diện tích 4.967,2m2, lúc này ông Xóc mượn bà Hà Giấy CNQSDĐ để tự tách thửa và xin cấp Giấy CNQSDĐ. Tin vào lời hứa của ông Xóc rằng “Nếu làm gì sai thì sẽ chết bất đắc kỳ tử”, bà Hà đã giao cho ông Xóc toàn bộ các giấy tờ gồm: Giấy CNQSDĐ bản chính, CMND, hộ khẩu bản photo.

Ngoài ra, ông Xóc đưa cho bà Hà “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” đã điền sẵn thông tin, ghi ngày 5/5/2011 yêu cầu bà Hà lên xã xác nhận. Sau đó bà Hà đã trực tiếp giao tận tay cho ông Xóc các giấy tờ này. Một thời gian dài không thấy ông Xóc trả lại giấy, bà Hà gọi điện thoại đòi lại nhưng ông Xóc trả lời là chưa xong, sau đó ông Xóc chết đột ngột vào tháng 5/2013.

Tháng 4/2015, bà Hà tiến hành cất nhà trên phần đất còn lại, nhưng bất ngờ ngày 11/5/2015 bà Hùng Thị Oanh (vợ của ông Xóc) đến đưa ra Giấy CNQSDĐ có diện tích 2.967 m2 nhưng người đứng tên không phải là Lê Thị Hà mà là ông Phù Sách Xóc, bà Oanh yêu cầu bà Hà dỡ nhà, trả lại toàn bộ diện tích 2.967 m2 đất với lý do bà Oanh là người thừa kế tài sản của ông Xóc đã chết. Bà Hà không chấp nhận nên bà Oanh khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

Trải qua nhiều phiên xét xử và hủy án, đến nay vụ án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Được biết, vào ngày 4/9/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tiếp tục giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm theo đơn kháng của bà Hà.

4507 don keu cuu va don to cao
Đơn kêu cứu, đơn tố cáo, cung cấp chứng cứ của bà Hà và các nhân chứng

Nhiều tình tiết cần được làm rõ

Trong quá trình tiếp xúc với bà Hà, có chi tiết hết sức đáng chú ý đó là việc bà Hà cho rằng, mình không biết chữ (Không biết đọc, biết viết), nhưng phía nguyên đơn đã cung cấp cho tòa án hàng loạt văn bản, giấy tờ liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong đó có chữ ký của bà, thậm chí có cả hợp đồng được công chứng hợp pháp.

Qua xem xét đơn yêu cầu cung cấp cứng cứ của ông Lê Việt Hồng và ông Nguyễn Thương (là anh em cùng cha khác mẹ với bà Hà) thì, bà Lê Thị Hà là con ruột của Liệt sỹ Lê Văn Sáu (cán bộ thuộc biên chế của Ban an Ninh C95- Trung ương Cục Miền Nam). Trong thời gian chiến tranh ác liệt, do tính chất của công tác bí mật nên ông Sáu phải liên tục thay đổi địa bàn hoạt động và di chuyển qua nhiều chiến trường ác liệt không được phép gặp mặt gia đình vợ con. Vì vậy, bà Hà không có điều kiện đi học chữ.

Khi lớn lên, bà Hà phải đi làm thuê mướn và được bạn bè chỉ cho cách viết (Vẽ) được tên và họ tên của mình. Bà Hà cho biết, có một vài lần bà “ký” tên mình vào các giấy tờ nhưng bà không hề biết đọc, biết viết bất cứ chữ nào ngoài tên của mình.

Khi tiếp xúc với ông Nguyễn Anh Tuấn và chị Nguyễn Thị Nguyên là con ruột của bà Hà thì cả anh Tuấn và chị Hà đều xác nhận, mẹ của mình (bà Hà) là người không biết chữ.

Đặc biệt, anh Tuấn và chị Nguyên còn cho biết, trong tờ giấy mua bán đất ngày 17/01/2008 do bà Oanh - Nguyên đơn cung cấp cho tòa án còn có cả chữ ký của anh Tuấn và chị Nguyên. Tuy nhiên, cả hai đều cho rằng các chữ ký này là giả mạo vì họ chưa bao giờ tham gia vào việc mua bán đất giữa bà Lê Thị Hà và ông Phù Xách Xóc (Chồng bà Oanh).

Chị Nguyên cho biết, vào ngày 18/7/2019, mặc dù chưa hề đến trụ sở Tòa án huyện Phú Quốc để làm việc, cung cấp lời khai có liên quan đến việc chuyển nhượng đất vào năm 2008 giữa bà Hà và ông Xóc, nhưng trong hồ sơ vụ án vẫn có biên bản làm việc với chị. Trong đó, có chữ ký của chị với tư cách là “Người có quyền và nghĩa vụ liên quan”.

Trong biên bản này thể hiện mẹ của chị (bà Hà) đã bán đất cho ông Xóc, mẹ của chị và chị Nguyên đều ký tên vào giấy tờ mua bán đề ngày 18/7/2019. Biên bản này đã được ông Trần Ngọc Triệu - Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án của bà Hà ký tên và đóng dấu xác nhận của Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc.

Chị Nguyên cho rằng, biên bản làm việc này được lập khống, các thông tin ghi trong biên bản là không đúng sự thật và gây bất lợi cho bà Hà trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Chị Nguyên cho biết, chữ ký và dòng chữ Nguyễn Thị Nguyên trong biên bản nêu trên không phải là chữ ký và chữ viết của chị.

Được biết, vừa qua chị Nguyên đã có đơn gửi Cục điều tra hình sự - VKS nhân dân tố cáo yêu cầu xem xét về hành vi “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” của thư ký và thẩm phán liên quan đến việc lập biên bản khống liên quan đến chị.

Một thông tin cũng đáng chú ý nữa là lời khai của bà Hùng Thị Oanh trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại các phiên tòa có nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, nhưng vẫn được tòa án nhân dân huyện Phú Quốc tuyên xử chấp thuận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

4509 ban tho ls le van sau
Bàn thờ của Liệt sĩ Lê Văn Sáu (cha ruột bà Hà)

Quan điểm của luật sư về vụ án

Theo luật sư Nguyễn Đình Hải - Công ty luật Hải Châu là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hà cho biết, cấp sơ thẩm chưa làm rõ các vấn để còn mâu thuẫn sau đây:

Thứ nhất: Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Hùng Thị Oanh khai nhận là việc chuyển nhượng đất năm 2008 do chồng bà là ông Phù Sách Xóc đứng ra thương lượng với bà Lê Thị Hà, nhưng trong Hợp đồng chuyển nhượng đất đề ngày 17/01/2008 không có chữ ký của ông Xóc thay vào đó là chữ ký của bà Oanh trong khi bà Hà khai là chưa từng gặp bà Oanh.

Thứ hai: Hợp đồng chuyển nhượng đất đề ngày 17/01/2008 ghi là tổng giá trị là 390.000.000 đồng, nhưng tại Hợp đồng chuyển nhượng đất được Phòng công chứng số 2 công chứng ngày 5/5/2011, thì tổng giá trị hợp đồng lại ghi là 402.800.000 đồng. Hơn nữa, trong hợp đồng này còn ghi rõ phương thức và thời hạn thanh toán với các số tiền hòan toàn khác với số tiền ghi trong giấy mua bán đất viết tay đề ngày 17/01/2008.

Thứ ba: Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Oanh khai rằng, khi chuyển nhượng đất vào năm 2008, khu đất của bà Hà chưa được đo vẽ và hai bên chỉ ước chừng diện tích khoảng 6.000 m2 trong khi tại thời điểm đó, thửa đất của bà Hà đã được cơ quan quản lý đất đai xác định là thửa số 19 tờ bản đồ số 12 xã Cửa Dương. Theo đó, lời khai của bà Oanh là không đúng thực tế và mâu thuẫn với lời khai của ông Trương Văn Cường (là ngươi môi giới cho bà Hà bán đất cho cho ông Xóc) tại bút lục số 456 có trong hồ sơ vụ án.

Bà Hà cho biết, bà chưa hề đến Văn phòng công chứng số 2 và là người không biết chữ nên không thể đọc bản hợp đồng để xác nhận giống như lời chứng của Công chứng viên: “Các bên đã đọc, hiểu rõ và ký trước mặt công chứng viên và ký xác nhận dưới đây”. Trong khi đó, theo quy định của Luật công chứng năm 2006, trường hợp người tham gia giao dịch hợp đồng yêu cầu công chứng mà không biết đọc, biết viết thì phải có người làm chứng.

Qua xem xét hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Phòng công chứng số 2 công chứng vào ngày 5/5/2011, thì không có người làm chứng và Phòng công chứng cũng không yêu cầu bà Hà lăn tay vào hợp đồng chuyển nhượng được lưu tại phòng công chứng như các trường hợp khác.

Để làm rõ các dấu hiệu bất thường của bản hợp đồng công chứng ngày 5/5/2011, phía bị đơn đã yêu cầu tòa án triệu tập Công chứng viên Phí Quang Lưu đến tham dự phiên tòa với tư cách là nhân chứng, nhưng Văn phòng công chứ số 2 đã có đơn xin xét xử vắng mặt.

Trong phần phát biểu quan điểm của đại diện VKS tham gia phiên tòa, bà Phạm Thị Viên đã trình bày rất nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Cụ thể, tại bút lục số 237, 238 và yêu cầu Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm lần 1. Bản án số 176/2017/DS-PT ngày 26/9/2017 cũng đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần 1 vì có vi phạm tố tụng, và yêu cầu làm rõ nhiều tình tiết còn mâu thuẫn.

Tuy nhiên, tại bản án số 21/2019/DS-ST, Hội đồng xét xử do thẩm phán Trần Ngọc Triệu làm chủ tọa chưa làm rõ các yêu cầu bản án phúc thẩm và đại diện VKS đưa ra nhưng vẫn đưa vụ án ra xét xử là không phù hợp pháp luật.

Được biết, tại phiên tòa phúc thẩm, Luật sư Hải đã có văn bản yêu cầu tòa án triệu tập thêm nhiều nhân chứng và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án để làm rõ các tình tiết có liên quan, nhằm có thêm cơ sở cho tòa án giải quyết vụ án một cách khách quan và đúng pháp luật.

Hà My - Y Phong
Phiên bản di động