Quảng Ninh:

Không để người dân phải sang Trung Quốc chữa bệnh

Một bộ phận người dân ở vùng giáp biên giới Quảng Ninh khi mắc bệnh đã không chữa bệnh tại tỉnh nhà hoặc các bệnh viện trong nước mà sang Đông Hưng, Trung Quốc chữa bệnh với chi phí rất cao.
Một học sinh Hải Phòng được BHYT chi trả 1,8 tỷ đồng khám chữa bệnh

Đây là thông tin được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và UBND tỉnh Quảng Ninh về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân chiều 25/7.

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thăm Trạm Y tế xã Đoàn Kết và Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn.

Trạm Y tế xã Đoàn Kết là 1 trong 3 Trạm Y tế xây dựng thí điểm 3 mô hình: Tăng cường chất lượng hoạt động; tiết kiệm đầu tư và phát huy hiệu quả sử dụng của các nguồn lực. Tuy nhiên, cả Trạm Y tế chỉ có 5 người với 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 cán bộ chuyên trách dân số, 1 y sĩ chuyên khoa. Trong khi đó, cán bộ điều dưỡng lại kiêm luôn nhiệm vụ khám thai, đỡ đẻ là sai hoàn toàn chức năng của người điều dưỡng.

khong de nguoi dan phai sang trung quoc chua benh
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế về kết quả thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, tuyến xã hoàn toàn điều trị được cho những bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, ung thư giai đoạn nhẹ, do vậy Bộ trưởng chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, với những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường phải linh hoạt chuyển bớt về tuyến xã điều trị để tránh quá tải cho tuyến trên, tránh tốn kém cho người dân.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, mạng lưới y tế cơ sở của Quảng Ninh được củng cố trong nhiều năm qua. Hiện cả tỉnh có 13/14 Trung tâm Y tế đa chức năng, 9 phòng khám đa khoa khu vực, 5 cơ sở điều trị thay thế các thuốc gây nghiện bằng Methadone.

Hiện nay, 186 xã, phường, thị trấn của Quảng Ninh đều có trạm y tế, số cán bộ làm việc trong trạm y tế tuyến xã có 145 bác sĩ, 347 y sĩ và 960 nhân viên y tế thôn bản đang hoạt động.

khong de nguoi dan phai sang trung quoc chua benh
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nghe nhân viên y tế báo cáo việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hồ sơ bệnh nhân.

Theo bà Thủy, hoạt động y tế cơ sở tại Quảng Ninh đã đạt được kết quả tốt. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ suy sinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm, chỉ tiêu về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em đều đạt. 70% người dân khám chữa bệnh có BHYT.

Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, tuyến huyện được đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại. Tuyến xã có gần 900 giường bệnh lưu động. Quảng Ninh đang xây dựng mô hình 3 bệnh viện thông minh.

Bà Thủy đặc biệt nhấn mạnh đến việc Quảng Ninh đã sử dụng tối đa dòng ngân sách, tạo điều kiện cho đối tượng cận nghèo, trẻ em, người già được thụ hưởng BHYT. Do vậy, tỷ lệ tham gia BHYT của người dân năm 2018 đạt 94,2%, vượt 4,2% so với chỉ tiêu được Chính phủ giao thực hiện đến năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị thuốc ARV có bảo hiểm y tế đạt 94%.

Theo bà Thủy, hiện y tế Quảng Ninh còn một số tồn tại, đặc biệt là thiếu bác sĩ ở tuyến cơ sở phường, xã (tỷ lệ bác sĩ của Quảng Ninh đạt trên 14,7 bác sĩ/vạn dân). Quảng Ninh đề nghị Bộ Y tế giúp tỉnh đào tạo và thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao để đưa về tuyến y tế cơ sở. “Chẳng hạn cho Quảng Ninh đặt hàng các lớp bác sĩ nội trú chất lượng cao, để có đội ngũ bác sĩ hoạt động lâu dài cho tỉnh nhà” – bà Thủy nhấn mạnh. Đồng thời cũng kiến nghị có khung đào tạo đặc thù cho y tế cơ sở sát với yêu cầu thực tế, vừa đảm báo có nhân lực làm việc, vừa ổn định được đội ngũ, nhất là đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết, Quảng Ninh hết sức quan tâm đến lĩnh vực y tế, từ năm 2016 đến nay đã đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng cho y tế, hiện đã đạt 56,4 giường/1 vạn dân. Quảng Ninh cũng dành nguồn kinh phí lớn cho bác sĩ đi bồi dưỡng ở các nước, tuy nhiên vẫn chưa đủ. Chất lượng thăm khám, chữa bệnh đã được nâng cao hơn, trước đây nhiều bệnh người dân phải đi Hà Nội và nước ngoài, nhưng nay đã yên tâm chữa bệnh tại tỉnh. Tuy nhiên, gần đây có hiện tượng người dân ở vùng giáp biên giới khi mắc bệnh nặng đã không đến bệnh viện trong tỉnh hoặc trong nước điều trị mà sang Đông Hưng, Trung Quốc để chữa bệnh với chi phí rất cao. Vì vậy, ông Đọc đề nghị Bộ Y tế quan tâm, giúp đỡ Quảng Ninh đào tạo nguồn nhân lực để trong những năm tới có thêm nhiều bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa giỏi phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

khong de nguoi dan phai sang trung quoc chua benh
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến; bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác khám bệnh tại Trạm Y tế xã Đoàn Kết.

Theo ông Vũ Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, hiện Vụ đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở tuyến xã, huyện, tỉnh và Trung ương, dự kiến sẽ trình Bộ trưởng. Sau khi có Đề án, tỉnh Quảng Ninh có thể tham khảo áp dụng để cho đơn vị mình.

Còn theo đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ đang có lộ trình đổi mới đào tạo nhân lực, do vậy Quảng Ninh cần sớm xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chât sượng cao và Bộ hoàn toàn ủng hộ việc đào tạo chuyên khoa và chuyên sâu cho địa phương.

Bộ Y tế đang triển khai Đề án bác sĩ trẻ tình nguyên 585, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng sâu, vùng xa. Tỉnh Quảng Ninh cũng nên đề xuất và tham gia ngay Đề án 585, đào tọa bác sĩ chuyên khoa, xây dựng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND các cấp tỉnh Quảng Ninh cho công tác y tế, quan tâm đến nguồn nhân lực, khu y dược công nghệ cao… Tuy nhiên, lĩnh vực y tế của Quảng Ninh cần phải có bước đột phá mạnh mẽ mới xứng tầm với sự phát triển về kinh tế, xã hội, hạ tầng của một tỉnh phát triển bậc nhất ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Để người dân khám chữa bệnh ngay tại tỉnh, không vượt tuyến, gây quá tải cho tuyến Trung ương, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thì Quảng Ninh phải đầu tư tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường cho tuyến y tế cơ sở.

Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế phải xây dựng Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao, đề xuất bác sĩ khá, giỏi đào tạo chuyên khoa về các xã miền núi khó khăn. Thực hiện luân chuyển cán bộ như bác sĩ ở tuyến huyện một tuần xuống xã 1-2 lần để hướng dẫn, làm mẫu việc châm cứu, chữa tiểu đường, ung thư giai đoạn nhẹ…nhưng lúc nào cũng phải có bác sĩ huyện. Như vậy sẽ giảm rất nhiều cho y tế tuyến huyện. Đặc biệt, Quảng Ninh phải xây dựng mô hình y tế ở biên giới làm trọng điểm, sau đó nhân rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, nếu Quảng Ninh phấn đấu được nâng hạng bệnh viện, đào tạo được đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi…thì không chỉ thu hút người dân trong tỉnh, người bệnh ở tỉnh khác, người nước ngoài làm việc tại Quảng Ninh, mà còn kéo được cả người Trung Quốc sang chữa bệnh.

Vi Hải
Theo CAND
Phiên bản di động