Khởi tố nhóm đối tượng trẻ cướp tài sản và gây rối trật tự công cộng

Vừa qua, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) vừa khởi tố nhóm đối tượng trẻ với hai tội danh cướp tài sản và gây rối trật tự công cộng.
Bắt đối tượng chém người, cướp tài sản Cô gái báo tin giả bị cướp vì muốn được gia đình quan tâm Xét xử nhóm đối tượng lừa người nước ngoài vào nhà nghỉ rồi cướp tài sản

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) vừa khởi tố các nhóm thanh niên cướp tài sản và gây rối trật tự công cộng trên địa bàn.

Theo điều tra, xuất phát từ mâu thuẫn nợ nần, tối 4/7, N.T.H (SN 2007) và B.Th.Tr (SN 2007) đều có hộ khẩu thường trú tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội đã tập hợp 1 nhóm thanh niên gồm 16 người, trong đó có Phùng Trung Nghĩa (SN 2006, HKTT: Phú Lương, Sơn Dương, Tuyên Quang), cầm theo hung khí là các tuýp sắt dài để hẹn gặp, đánh nhau với nhóm của V.T.N (SN 2006 có hộ khẩu thường trú tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) tại khu đô thị Geleximco thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Khi đến điểm hẹn, thấy nhóm của V.T.N đang ngồi trong quán nhậu, nhóm của H đã điều khiển xe máy, cầm hung khí, diễu hành, hò hét, chửi bới và bấm còi inh ỏi, đi nhiều vòng quanh tuyến đường đi qua quán.

Lúc này, H.Q.Đ (SN 2006, HKTT: An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) đang ngồi uống bia cùng V.T.N, đã gọi điện cho em trai là H.Q.T (SN 2009) ra đánh nhau. T đồng ý rồi rủ thêm L.Đ.M (SN 2007, trú tại An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cùng đi.

Hai đối tượng điều khiển xe máy mang theo 1 két vỏ chai bia đến gần quán thì bắt gặp nhóm H liền lấy vỏ chai ném rồi quay xe bỏ chạy. Sau đó, nhóm của H đi vào quán rồi đánh V.T.N. Gây án xong, nhóm của H vứt hung khí rồi đi về.

Còn H.Q.T và L.Đ.M mang theo số vỏ chai bia còn lại đi vào đường Lê Trọng Tấn thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thì bị T.V.V (SN 2007 trú tại Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) và N.Đ.H (SN 2008, trú tại Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cầm dao đuổi theo.

Hai xe rượt đuổi nhau đến xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội thì T và M bị ngã xe. T bị T.V.V và N.Đ.H dùng dao chém nhiều nhát. Sau đó, hai đối tượng bắt T quỳ để quay video rồi dùng dao chặt đứt biển kiểm soát của xe máy, do T điều khiển, để mang về làm chiến tích.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Hoài Đức đã khẩn trương tiến hành điều tra, bắt giữ các đối tượng liên quan.

Đến ngày 12/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với T.V.V, N.Đ.H về tội “Cướp tài sản”; Phùng Trung Nghĩa, B.T.Tr, V.T.N, L.Đ.M về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Nhóm đối tượng trẻ bị khởi tố với hai tội danh cướp tài sản và gây rối trật tự công cộng
Các đối tượng bị khởi tố

Theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), tội cướp tài sản được quy định cụ thể:

* Khung 1

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm.

* Khung 2

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 -15 năm:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

- Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tái phạm nguy hiểm.

* Khung 3

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

* Khung 4

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 - 20 năm hoặc tù chung thân:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

- Làm chết người;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

* Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Như vậy, người nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì mức phạt cao nhất có thể lên tới tù chung thân. Đặc biệt, hành vi cướp tài sản chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự không có xử phạt vi phạm hành chính.

Còn đối với tội gây rối trật tự công cộng được quy định hình phạt rất rõ tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

* Hình phạt chính

Theo quy định, đối với tội gây rối trật tự nơi công cộng có thể áp dụng các hình phạt chính như sau:

Phạt tiền;

Phạt cải tạo không giam giữ;

Phạt tù có thời hạn;

- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

- Phạt tù từ 2 - 7 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm:

Có tổ chức;

Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

Xúi giục người khác gây rối;

Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

Tái phạm nguy hiểm.

Như vậy, việc quyết định hình phạt đầu tiên sẽ dựa vào tình tiết vụ việc, hành vi của người phạm tội nguy hiểm cho xã hội như thế nào.

Ngoài ra, Tòa án sẽ còn cân nhắc nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt hợp lý nhất.

Ví dụ người phạm tội là phụ nữ đang mang thai hoặc người cao tuổi, Toà án sẽ cân nhắc giảm nhẹ hình phạt.

Hoặc nếu người phạm tội có các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51, Điều 52 Bộ luật Hình sự, Toà án cũng sẽ xem xét lại mức hình phạt cho người phạm tội để hợp lý hơn.

Hoa Thành
Phiên bản di động