Hơn 87.000 ca sốt xuất huyết, Bộ Y tế ra công điện khẩn
Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, chỉ trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam có khoảng 87.000 ca sốt xuất huyết, cao gấp 3 lần so với năm 2018. Có 6 người đã tử vong, tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP HCM. Trong 5 tuần gần đây số bệnh nhân tăng nhanh tại 34 tỉnh, thành phố thuộc miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Đôi khi người dân chưa thật sự phân biệt được triệu chứng bệnh sốt xuất huyết với các bệnh khác |
Các chuyên gia cho biết, miền Nam đang cao điểm mùa mưa, thời tiết rất thuận lợi cho muỗi sinh sôi truyền bệnh sốt xuất huyết. Điểm nóng ở khu vực này là TPHCM và Đồng Nai.
Tại TPHCM, tính đến hết tháng 6/2019, đã có 24.768 ca sốt xuất huyết, tăng 176% so với số ca bệnh của cùng kỳ năm 2018 (8.959 ca). Đã có 5 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ đầu năm đến nay tỉnh phát hiện hơn 1.000 ổ dịch sốt xuất huyết với 5.800 ca, tăng mạnh so với năm ngoái, 98% ổ dịch đã được xử lý. TP Biên Hòa có hơn 2.000 bệnh nhân, đứng đầu toàn tỉnh.
Tính đến 30/6, trên địa bàn TP Đà Nẵng có 2.949 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018, chưa có trường hợp tử vong.
Tại các tỉnh Tây Nguyên số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 7 lần. Theo Cục Y tế dự phòng, khu vực Tây Nguyên là vùng sốt xuất huyết lưu hành nhẹ, miễn dịch ở cộng đồng thấp, nên khi xuất hiện dịch thì thường dịch bùng phát rất nhanh, mạnh.
Đặc biệt năm nay các điều kiện thời tiết khí hậu tại khu vực Tây Nguyên rất thích hợp cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển, nên hiện số mắc sốt xuất huyết ở Tây Nguyên đã tăng cao và sẽ tiếp tục tăng nếu người dân, chính quyền và ngành y tế địa phương không thực hiện quyết liệt, triệt để các biện pháp phòng dịch.
Tại Hà Nội, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến rất phức tạp và đang có dấu hiệu lan nhanh tại một số quận thuộc phía Tây. Đặc biệt, một số nơi trung bình mỗi nhà đang có ít nhất 1 người mắc bệnh.
Phòng dịch sốt xuất huyêt, người dân cần phối hợp cùng cơ quan chức năng trong các đợt phun thuốc diệt muỗi |
Thống kê tại thành phố Hà Nội cho thấy, các quận, huyện phía Tây thành phố hiện đang có số trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue ở mức cao như: Hà Đông có 150 ca, Bắc Từ Liêm với 88 ca, Cầu Giấy có 73 ca, Đống Đa với 69 ca và Nam Từ Liêm là 65 ca... Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 820 trường hợp xuất hiện nhiều dấu hiệu bệnh ở vào các cấp độ khác nhau của sốt xuất huyết.
Trước diễn biến dịch phức tạp, mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công điện số 4086/BYT - DP gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai hoạt động diệt lăng quăng, bọ gây trên địa bàn ngay trong tháng 7/2019 và duy trì 1 tuần/ 1 lần tại các vùng có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Huy động các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy
Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho cộng đồng về phòng, chống sốt xuất huyết, tập trung tuyên truyền đến người dân về việc diêt lăng quăng, bọ gậy; phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun muỗi tại gia đình
Ngành y tế tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và phát sinh. Tổ chức các phun hoá chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hoá chất xử lý triệt để khi phát hiện những ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch đang gia tăng ở các nước Châu Mỹ la tinh và Châu Á Thái Bình Dương. Đặc biệt các nước xung quanh Việt Nam như Philipines, số mắc sốt xuất huyết đã tăng 2 lần so với cùng kỳ, với gần 100.000 trường hợp mắc, gần 400 trường hợp tử vong. Malaysia với hơn 60.000 trường hợp mắc, gần 100 trường hợp tử vong. Lào, Campuchia, Trung Quốc, Úc cũng đang gia tăng mạnh và chưa có xu hướng dừng lại. Tình trạng trên được cho là do hiện tượng biến đổi khí hậu và nóng lên lên toàn cầu, làm cho vector truyền bệnh sinh sôi và phát triển mạnh. Do đó chúng ta không chỉ đề phòng với bệnh sốt xuất huyết, mà còn cần đề phòng sự bùng phát của các bệnh do côn trùng truyền bệnh khác. |