Học phí đại học tăng dần đều: Chất lượng liệu có tăng?
Không tăng học phí trong năm học mới Bộ Giáo dục đề nghị không tăng học phí Học phí đại học công lập sẽ tăng trung bình 12,5% trong 5 năm? |
Đồng loạt tăng học phí
Từ năm 2022, học phí của các cơ sở giáo dục đại học sẽ được điều chỉnh tăng theo quy định tại Nghị định mới của Chính phủ về thu chi học phí (Nghị định số 81). Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc tăng học phí rõ ràng là một gánh nặng với nhiều người học.
Theo Nghị định 81, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Học phí nhiều trường đại học tăng trong năm nay |
So với năm học 2021 - 2022 thì mức học phí năm học 2022 - 2023 tăng vọt (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y dược), tăng 71,3% (hiện đang ở mức trần 1,43 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên thành 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành II) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) mức tăng vừa phải hơn, 15,3%.
Là một trong những trường đại học thông báo tăng học phí sớm nhất, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí theo các mức: Chương trình Đào tạo chuẩn, dao động từ 22 - 28 triệu đồng/năm; Chương trình ELiTECH dao động từ 40 - 45 triệu đồng/năm. Các chương trình, học phí dao động từ 50 - 60 triệu đồng/năm như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10, IT-E10x); Công nghệ thông tin Việt – Pháp (IT-EP, IT-EPx); Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x). Chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế dao động từ 45 - 50 triệu đồng/năm; Chương trình Đào tạo quốc tế dao động từ 55 - 65 triệu đồng/năm, Chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) dao động từ 80 triệu đồng/năm.
Trước lộ trình tăng học phí "chóng mặt", Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa đưa ra dự kiến mức học phí năm 2022 để "trấn an" sinh viên. Cụ thể các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) vẫn được được miễn học phí. Bên cạnh đó, các ngành khác hệ đại trà tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ) lên 440.559 đồng/tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ.
Năm học tới, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng dự kiến tăng học phí ở khóa tuyển sinh năm 2022. Mức thu cho năm học 2022 - 2023 tương đương 42 triệu đồng, năm học 2023 - 2024 là 44 triệu đồng, năm học 2024 - 2025 là 46 triệu đồng và năm học 2025 - 2026 là 48 triệu đồng. Như vậy, mức học phí năm học 2022 - 2023 so với năm trước đã tăng thêm 24,5%.
Nhiều sinh viên “chóng mặt”
Hiện đang theo học Đại học Kinh Tế Quốc dân, bạn Trần Thị Khánh Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khá ngạc nhiên khi học phí tăng đột biến: “Dù biết mỗi kì trong các năm sẽ có sự thay đổi học phí do số lượng tín chí khác nhau nhưng việc tăng từ 20 – 30% học phí là nằm ngoài dự kiến của em khi đăng kí theo học tại trường. Tuy nhiên, trong quá trình theo học tại trường sinh viên chúng em luôn mong trường có trang thiết bị phục vụ sinh viên đầy đủ hơn, giảng viên áp dụng phương pháp dạy sinh động hơn. Nếu tăng học phí mà tăng được chất lượng thì nó rất cần thiết”.
Tăng học phí khiến nhiều gia đình sinh viên thêm gánh nặng |
Cùng quan điểm với con gái mình, bà Trần Ngọc Hà (phụ huynh em Linh) chia sẻ: “Tăng 20 – 30% thì không phải là mức cao, nó vẫn nằm trong khả năng của phụ huynh. Tôi chỉ lo là lượng tăng mà chất không tăng, có thể cơ sở vật chất sẽ tốt hơn, học sinh sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhưng chất lượng trong giảng dạy không tăng. Nếu tăng học phí mà mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn cho em tôi thì tôi không ngại.”
Có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn các bạn bè đồng trang lứa, bạn Phạm Khôi Nguyên (Nam Từ Liêm, Hà Nội): “Em đang học năm cuối tại trường đại học Ngoại Thương, dù gia đình không có điều kiện nhưng việc vừa đi học, vừa đi làm cũng giúp em trang trải được học phí và sinh hoạt sống. Nếu tăng học phí phục vụ cho việc học tốt hơn là việc nên làm nhưng nên làm cụ thể, rõ ràng như vậy dù điều kiện còn khó khăn nhưng mọi người vẫn không ngại đầu tư cho giáo dục”.
Phụ huynh của em Đặng Minh Ngọc sinh viên năm 2 trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cũng chia sẻ về nỗi lo chung của nhiều gia đình: “Gia đình có điều kiện thì 10% không sao, gia đình khó khăn thì đó là 1 con số không nhỏ. Ở đây có nhiều gia đình phải vay tiền để con đi học, học phí tăng thì họ đã khó lại càng khó hơn. Tôi hy vọng học phí tăng chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất sẽ tăng và thay đổi 1 cách triệt để chứ không phải chỉ là lời hứa. Có phương án như vậy thì khi tăng học phí phải kết hợp giám sát việc cải cách ở các trường để đảm bảo trường thực hiện tốt”.
Bài toán chất lượng
Nhiều ý kiến cho rằng, khi các trường đại học chuyển sang cơ chế tự chủ, các khoản chi thường xuyên từ nhà nước sẽ bị cắt nên trường phải bù một phần bằng việc tăng học phí. Đây là giải pháp trước mắt còn về lâu dài, việc tìm nguồn hỗ trợ khác bên ngoài như tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, dịch vụ sẽ là giải pháp căn cơ để học phí không thể tăng nhanh, gây sốc cho người học và xã hội.
Tăng học phí cần tăng chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất |
Theo Bộ GD&ĐT các trường đại học tăng học phí theo Nghị định 81 là: Học phí năm học 2021 - 2022 ở các cấp học không thu vượt mức trần khung học phí năm 2020-2021. Từ năm học 2022 trở đi, học phí mới sẽ áp dụng theo Nghị định 81. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (chưa tự chủ) được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.
Lý giải về việc tăng học phí lần này, các chuyên gia cho hay, việc tự chủ giúp các trường tự cân đối thu bù chi và cân đối đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất để người học được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực cho tương lai. Đồng thời, thúc đẩy các trường công nâng cao chất lượng, cạnh tranh bình đẳng với các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, tăng học phí cũng phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất.
Ngoài ra, các trường đồng loạt tăng học phí cũng cần chú ý đến các chính sách hỗ trợ học bổng, vay tín chấp với lãi suất 0% với sinh viên khó khăn, vùng sâu vùng xa để các em có tiền đóng học phí và trang trải chi phí học tập.