Hòa Phát xuất khẩu gần 123.500 tấn thép ra nước ngoài, Mỹ chiếm 10%

Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã xuất khẩu 123.479 tấn thép xây dựng tăng 35% so với 6 tháng năm 2018. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hòa Phát là các nước ASEAN, Úc, Nhật Bản, Mỹ...
Thép xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan qua Việt Nam né thuế để sang Mỹ Việt Nam áp thuế bán phá giá với thép phủ màu từ Trung Quốc, Hàn Quốc Hòa Phát xuất khẩu 18.000 tấn thép sang Nhật Bản trong tháng 6

Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh về mặt hàng thép trong 6 tháng đầu năm 2019.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt hơn 1,34 triệu tấn thép, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng thép xây dựng xuất khẩu tăng 35% so với cùng kỳ. Với kết quả này, thép Hòa Phát vững vàng ở vị trí số 1 với 25%.

Tính riêng trong tháng 6/2019, thép Hòa Phát đã tiêu thụ được 185.900 tấn, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượng hàng tiêu thụ tại phía Nam và xuất khẩu của thép Hòa Phát tăng lần lượt gấp 3 và hơn 4,6 lần so với cùng kỳ.

hoa phat xuat khau gan 123500 tan thep ra nuoc ngoai my chiem 10
Ảnh minh họa.

Trong số sản lượng 6 tháng kể trên, lượng sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường miền Nam đạt 184.000 tấn, tăng 2,7 lần so với 6 tháng 2018. Thị trường miền Trung đạt sản lượng tiêu thụ 202.500 tấn, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thép xây dựng Hòa Phát đã xuất khẩu 123.479 tấn tăng 35% so với 6 tháng 2018. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hòa Phát là các nước ASEAN, Úc, Nhật Bản, Mỹ, … Riêng thị trường Mỹ đóng góp gần 10% lượng hàng xuất khẩu của thép xây dựng Hòa Phát.

Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, sản lượng thép xây dựng hàng tháng của Hòa Phát sẽ gia tăng đáng kể so với thời gian qua, nhờ việc dần đưa các dây chuyền giai đoạn 1 của dự án tại Dung Quất, Quảng Ngãi vào hoạt động từ nay tới cuối năm.

Đáng nói, theo các chuyên gia, tình hình kinh doanh thép của Hòa Phát sẽ đối mặt với nhiều khó khăn chung với thị trường thép Việt Nam trong bối cảnh mới đây khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định áp mức thuế lên tới 456,23% với thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc được phía Hoa Kỳ khởi xướng điều tra từ tháng 8/2018, sau khi Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc từ năm 2016.

Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Căn cứ kết luận sơ bộ, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với sản phẩm thép CR và thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam thông qua việc thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu, mức ký quỹ sẽ phụ thuộc vào từng loại sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Tuy nhiên, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế với nguyên liệu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), trong trường hợp thép CR, CORE được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác sẽ không bị áp thuế trong vụ việc này.

Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội thép, các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam để hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ về quá trình sản xuất tại Việt Nam, mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm...

Qua sự việc này, Bộ Công Thương cũng đã cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.

Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9/2019. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan, các Hiệp hội doanh nghiệp và phía Hoa Kỳ trong các giai đoạn tiếp theo của vụ viêc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và và các Hiệp định của WTO, đồng thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động