Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, tăng lên qua các năm gây thất thoát, lãng phí

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án. Trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.
Hà Nội: Công khai 23 dự án vốn ngoài ngân sách vi phạm bị thu hồi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ việc chậm tiến độ Quy hoạch điện VIII Tăng cường kiểm tra xử lý các dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng

Đó là một trong những hạn chế đưa ra tại tại Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021 vừa được trình trước Quốc hội sáng nay (31/10).

Giảm 13,85% đơn vị công lập, 10% biên chế công chức

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết: Đoàn giám sát lần này tập trung vào khu vực công trên địa bàn cả nước, tập trung vào 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm theo quy định của Luật THTK,CLP.

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, tăng lên qua các năm gây thất thoát, lãng phí
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo trước Quốc hội

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực. Trong đó, việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN), các nguồn vốn Nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Tổng thu và quy mô thu NSNN 5 năm giai đoạn 2016-2020 tương ứng đạt 6,918 triệu tỷ đồng và bình quân đạt 25,3% GDP, vượt mục tiêu đề ra và gấp 1,66 lần giai đoạn 2011-2015.

Sắp xếp tinh gọn bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021.

Tính đến cuối năm 2021 đã giảm 13,85% số đơn vị sự nghiệp công lập; Biên chế công chức giảm 10,01%; Viên chức giảm 11,12% so với năm 2015, vượt mục tiêu đề ra.

Nguồn thu từ đất góp phần tăng thu đáng kể cho NSNN. Một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ (Ninh Bình: 725 dự án treo, diện tích 1.795 ha; Đồng Nai: 376 dự án, diện tích 3.875 ha; Quảng Ngãi đã chấm dứt hiệu lực nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư 296 dự án; Bình Dương: 289 dự án, diện tích 2.283 ha…), yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra được tăng cường và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản Nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản nhà nước lớn; Có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ, bị xử lý hình sự

Báo cáo nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; Việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm; Trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng.

Việc lập, thẩm định dự toán NSNN chưa sát thực tế. Nợ đọng thuế, thất thu, chậm thu, thu không đúng, không đủ; Vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra tương đối phổ biến.

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Có nhiều dự án trong số 1.086 trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử.

Tỷ lệ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt là vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân rất chậm. Nhiều khu nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng (Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/ 17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí; TP. HCM có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở…).

Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn.

Thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đôn đốc, giám sát việc xử lý 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn Nhà nước khác không hiệu quả; 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc; 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng

Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn Nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí…

Hạnh Nguyên
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động