Hàng không, vận tải gửi 4 kiến nghị, 1 đề xuất để "bật dậy" sau dịch Covid-19
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn có thể lập hãng bay chở hàng sau khi hàng không phục hồi Các hãng bay không để máy bay nằm sân trên một tháng |
Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. |
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp vận tải kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và đề nghị sớm hỗ trợ bằng các gói vay lãi suất ưu đãi, sẵn sàng cho việc bật tăng trưởng trở lại sau đại dịch Covid-19.
Hiệp hội vận tải ô tô kiến nghị 4 vấn đề
Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Hùng Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số vướng mắc của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, các doanh nghiệp tại địa phương trong công tác phòng chống Covid-19.
Cụ thể, hiện nay hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ phòng chống dịch và phát triển kinh tế đã được thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT tải quan tâm chỉ đạo giải quyết rất quyết liệt trong thời gian qua. Tuy nhiên vẫn còn có tình trạng một số nơi bị ách tắc, lưu thông bị gián đoạn do có nhiều trạm kiểm soát trên đường làm giảm hiệu quả của công tác vận tải, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đội ngũ lái xe.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Xe ô tô của các hãng đang phải phơi mưa, phơi nắng nhiều tháng trời do ảnh hưởng của dịch COVID-19 |
Để giải quyết những khó khăn về lưu thông hàng hóa hiện nay, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng, với Chính phủ: Thứ nhất, để không đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, để duy trì được sản xuất, kinh doanh trong dịch bệnh, thì một điều kiện tiên quyết là phải giữ được lưu thông hàng hóa. Thứ hai, để bảo đảm an toàn dịch bệnh trong lưu thông hàng hóa, thì vấn đề là quản lý, kiểm soát con người, chứ không phải quản lý, kiểm soát hàng hóa, vì con người mới là chủ thể chủ yếu lây nhiễm bệnh.
Cùng với đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị bốn nội dung cụ thể:
Khi một tỉnh, thành phố công bố thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng hoặc các biện pháp phòng chống dịch cao hơn, cần phải đảm bảo lưu thông cho phương tiện vận tải trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đó. Thông qua biện pháp phân luồng từ xa hoặc cho xe đi theo đường vành đai để lưu thông không bị ách tắc.
Việc kiểm soát phương tiện trên đường cần phải có những nguyên tắc và phối hợp thống nhất giữa các địa phương, cần áp dụng công nghệ để giảm thiểu tới mức thấp nhất số lượng phương tiện phải dừng, thời gian một lần dừng: Phương tiện đi ra từ vùng dịch thì kiểm tra tại gốc, khi kiểm tra xong nhập dữ liệu vào hệ thống để các trạm khác không kiểm tra nữa.
Hàng nghìn các phương tiện vận tải taxi rơi vào tình "án binh bất động". |
Cần phải đồng bộ trong việc thực hiện những quy định của các Bộ, Ngành. Tránh tình trạng như vừa qua là Bộ Y tế đã có quy định đối với lái xe thì giấy chứng nhận xét nghiệm theo phương pháp test nhanh hay PCR đều được chấp nhận, nhưng một số địa phương vẫn chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm PCR.
Đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo cho lực lượng lái xe, phụ xe được ưu tiên tiêm vắc xin theo Nghị quyết 21 của Chính phủ để phòng ngừa và giảm bớt chi phí xét nghiệm cho lái xe và doanh nghiệp vận tải.
Ngoài ra, về các vướng mắc của doanh nghiệp vận tải liên quan đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng: Tại khoản 7, điều 4, Thông tư 03 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ “Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ”;
Khoản 8, điều 4 quy định: “Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ được thực hiện đến 31/12/2021”.
Trong thực tế đại dịch Covid-19 đã qua 18 tháng, khi ban hành Thông tư 03 tại thời điểm tháng 4/2021 Ngân hàng nhà nước chưa lường được dịch COVID-19 lần 4 nghiêm trọng như hiện nay nên đã quy định thời hạn cơ cấu nợ không vượt quá 12 tháng là không thực tế, với quy định này nhiều doanh nghiệp không thể cơ cấu lại được các khoản nợ, đã khó khăn lại chồng chất khó khăn không đủ điều kiện để tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Hàng trăm máy bay của các hãng cũng phải "nằm đất" lâu nay. |
Diễn biến dịch Covid-19 có nhiều biến đổi phức tạp có thể kéo dài sang năm 2022 các doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn do vậy Hiệp hội kiến nghị: Sửa khoản 7, điều 4, Thông tư 03 như sau: “Thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 36 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng đã ký)”...
Đề nghị Chính phủ cho hãng hàng không tư nhân vay lãi suất ưu đãi
Đại diện cho các doanh nghiệp hàng không, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trưởng trở lại.
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất giải pháp cứu ngành hàng không. |
Thông qua đề nghị của Vietjet và các Hãng hàng không, của một số chuyên gia, ngân hàng, tài chính, kinh tế, hàng không có uy tín, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã thống nhất sẽ kiến nghị Chính phủ và Quốc hội các giải pháp hỗ trợ về vốn cho các hãng hàng không, cụ thể:
“Đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, kéo thời hạn giãn, hoãn, cơ cấu nợ quy định tại Thông tư 03 (có thể đến năm 2022 theo diễn biến của dịch và khi nước ta đạt miễn dịch cộng đồng)”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo kiến nghị.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cơ cấu nợ theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước đã hết hạn, thời điểm cơ cấu cũng không phù hợp với những khoản vay sau ngày 10/6. Nếu không tiếp tục cơ cấu, các khoản nợ này sẽ chuyển thành nợ xấu. Không những khó khăn vì tình hình Covid bủa vây, các hãng hàng không lại tiếp tục khó khăn vì bị nhóm nợ xấu, không được cơ cấu, trả nợ kịp thời và phân loại sai nhóm nợ.
“Đề nghị Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho hãng hàng không tư nhân vay lãi suất 0% để tăng vốn điều lệ như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm). Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, căn cứ vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất.
Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet đề nghị Chính phủ phê duyệt gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 10/2020 của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không việt Nam. Mục đích là nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép ngân hàng cho các hãng hàng không vay dù chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện ngặt nghèo hiện nay. Ngân hàng thương mại và hãng hàng không được chủ động bàn, thỏa thuận về vốn vay, lãi vay, điều kiện tài sản bảo đảm, phương án đầu tư, sử dụng vốn…nhưng lãi suất bằng hoặc thấp hơn mặt bằng chung của thị trường. Mục đích là nhằm giúp các hãng hàng không hồi phục, bật dậy sau dịch.