Hạn chế ô nhiễm môi trường phía tây sông Ðáy
Giải “bài toán” ô nhiễm làng nghề tại Ninh Bình |
Nhiều đơn vị khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Thanh Liêm (Hà Nam) gây ô nhiễm môi trường. |
Huyện Thanh Liêm có diện tích đá vôi với trữ lượng lớn hàng trăm nghìn mét khối, phân bố dọc tuyến phía tây sông Ðáy chạy dài qua sáu xã, được UBND tỉnh Hà Nam quyết định là vùng quy hoạch trọng điểm phát triển công nghiệp. Hiện nay, khu vực này có hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và vận tải hàng hóa đang hoạt động.
Trong đó, năm nhà máy sản xuất xi-măng, 42 cơ sở khai thác đá và chế biến khoáng sản; bốn cơ sở sản xuất bê-tông aphan; hai nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; 14 cơ sở sản xuất bột đá, cát nhân tạo và nhiều cầu, bến, máng rót với hàng nghìn phương tiện cơ giới chuyên dùng cho hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển vật liệu xây dựng hoạt động suốt ngày đêm.
Các nhà máy sản xuất, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng ở gần khu dân cư đã có tác động rất lớn đến môi trường và đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân thuộc các xã vùng ven phía tây sông Ðáy.
Năm 2019, tại huyện Thanh Liêm đã xảy ra một số vụ việc khiến nhân dân bức xúc, có đơn thư kiến nghị. Ðó là vào tháng 6/2019, sau khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục được cấp có thẩm quyền cho phép, chủ đầu tư đã triển khai dự án bãi chứa bến thủy nội địa trên sông Ðáy thuộc địa phận xã Thanh Hải.
Vì lo ngại đến sự mất an toàn giao thông và ảnh hưởng do bụi, nhân dân thôn Trung Hiếu Thượng đã phản đối, không cho triển khai dự án. Liên quan việc nổ mìn, ngày 3/10/2019, Chi nhánh công nghiệp hóa chất mỏ Hà Nam nổ mìn khai thác đá với khối lượng lớn đã làm rung chấn, nứt nhà cửa, vật kiến trúc của gần 200 hộ dân thôn Nham Kênh, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm.
Ngay sau sự việc, huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo các ngành tích cực phối hợp Sở Công thương, Chi nhánh công nghiệp hóa chất Hà Nam và xã Thanh Nghị kiểm tra thực địa, lập biên bản, giải quyết bồi thường kịp thời cho 189 hộ dân bị ảnh hưởng. Hay vụ việc đêm 3/7/2019, hàng trăm người dân thôn Lâm Sơn, thị trấn Kiện Khê đã dùng xe ô-tô chở đất đá, dùng thùng công-ten-nơ để lấp, bịt cổng ra vào không cho một doanh nghiệp sản xuất thạch cao hoạt động vì ảnh hưởng môi trường không khí, môi trường nước.
Cùng với việc tập trung giải quyết tốt các bức xúc, kiến nghị của nhân dân, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã tăng cường các giải pháp tổng thể hạn chế ô nhiễm môi trường khu vực phía tây sông Ðáy. Cụ thể là việc thực hiện đề án tổng thể hạn chế ô nhiễm môi trường khu vực phía tây sông Ðáy tại các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã đạt được một số kết quả nhất định, tình trạng ô nhiễm bụi tại một số khu vực trọng điểm đã giảm, việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp từng bước được kiểm soát.
Ðáng chú ý, tại một số vị trí khu vực tây sông Ðáy địa bàn huyện Thanh Liêm, nồng độ ô nhiễm bụi giảm từ 1,5 đến 2,2 lần so với trước khi thực hiện đề án. Hiện có ba nhà máy xử lý rác, đạt công suất khoảng 345 đến 365 tấn/ngày, bảo đảm xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh (nhưng chưa xử lý lượng rác tồn đọng ở bãi rác Thung Ðám Gai, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm).
Cùng với đó, các nhà máy xi-măng thường xuyên vận hành các công trình bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống lọc bụi tĩnh điện và lọc bụi tay áo tại các vị trí phát thải. Tất cả các điểm mỏ được cấp giấy phép khai thác đang hoạt động đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, có 44 trong số 60 đơn vị được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; các doanh nghiệp khai thác đá ở Kim Bảng, Thanh Liêm đã chủ động góp kinh phí để quét dọn, tưới nước làm ẩm đường và san gạt vật liệu rơi vãi, khơi thông, nạo vét cống rãnh ven đường.
Huyện Thanh Liêm đã kịp thời đề xuất tỉnh Hà Nam có cơ chế hỗ trợ để xóa bỏ đồng loạt 35 lò vôi thủ công tại thị trấn Kiện Khê.
Thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường theo đề án tổng thể đã được phê duyệt; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường; tăng cường sử dụng các biện pháp trinh sát, nghiệp vụ để nắm bắt tình hình, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường…
Huyện Thanh Liêm được xác định là huyện trọng điểm về sản xuất vật liệu xây dựng, một trong những ngành có tác động lớn tới môi trường, do đó, những năm qua, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường. Xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại rác thải ngay tại các hộ gia đình. Ðề xuất tỉnh Hà Nam có phương án xử lý, điều chỉnh bảo đảm phát triển công nghiệp bền vững. Lê Hoàng Thuyên Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm (Hà Nam) Ðề nghị các doanh nghiệp sản xuất xi-măng phải nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện, duy trì chạy lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi. Yêu cầu các cơ sở khai thác vật liệu xây dựng cải tiến hệ thống khai thác, chế biến; thường xuyên duy trì phun sương dập bụi khu vực mỏ, bãi chế biến, khu vực máng rót đá xuống tàu, thuyền, phun nước dập bụi ở các đầu máy nghiền đá. Các máng rót đá, xi-măng dời xuống tàu, thuyền phải được thực hiện trong không gian khép kín theo đúng quy định. Ðỗ Thị Hoa (Xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) |