Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng cuối năm
Theo đó, với kịch bản 1, trong trường hợp dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp. Các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6,0%. Trong đó quý III tăng 6,2%, quý IV tăng 6,5%.
Với kịch bản 2, trong trường hợp dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp. Các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng là 6,5%. Với kịch bản này, quý III dự kiến tăng 7%, quý IV tăng 7,5%.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: VGP) |
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trên cơ sở GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ông Phương cho rằng nhiệm vụ sắp tới sẽ hết sức khó khăn.
Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2021 của Việt Nam ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.
Tính chung GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Nhìn nhận tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa làm đứt gãy các dòng đầu tư, thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở trong nước, sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch, vận tải, doanh nghiệp nhỏ và vừa và tại các địa bàn có dịch bùng phát; Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở mức cao; Giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao... Đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trên cơ sở đánh giá sát và phân tích kỹ tình hình, Chính phủ khẳng định, nhất quán quan điểm là phải kiên định mục tiêu, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; Kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Thực hiện hài hòa, thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.