Hà Nội thực hiện văn hóa công sở - Bài 2: Những cán bộ bỏ quên văn hóa ở cổng cơ quan
Hà Nội thực hiện văn hóa công sở - Bài 1: Ghi điểm từ những điều nhỏ nhặt Cả nước thi đua thực hiện văn hóa công sở Thủ tướng: Cán bộ không được bỏ việc, phải dốc lòng phục vụ nhân dân |
Cán bộ vắt chân chữ ngũ, trốn tránh việc cung cấp thông tin
Nhiều quận, huyện, các bộ trên địa bàn TP Hà Nội đã tích cực thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” theo lời kêu gọi của Thủ tướng và Hội đồng Thi đua khen thưởng TP Hà Nội.
Thế nhưng vẫn còn những "con sâu làm rầu nồi canh" khi cán bộ chốn công quyền thể hiện thái độ trịch thượng, trốn tránh việc cung cấp thông tin làm rõ tiêu cực trên địa bàn.
Mới đây, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đặt lịch làm việc tại Văn phòng UBND xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Thông tin cần trao đổi về một dự án có dấu hiệu sai phạm trên địa bàn. Người tiếp phóng viên là ông Nguyễn Văn Cửu - Chủ tịch UBND xã Phú Cát.
Chủ tịch UBND xã Phú Cát trong buổi tiếp PV Tuổi trẻ và Pháp luật |
Tại buổi làm việc, ông Cửu ngồi vắt chân chữ ngũ, tay bấm điện thoại, đồng thời cho biết UBND xã chưa nắm bắt hết tình hình. Khi phóng viên đề nghị phối hợp với báo để kiểm tra, xử lý sai phạm nếu có, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thì ông Cửu cũng chẳng "mặn mà".
Thực tế, không ít lần phóng viên tới cơ quan công sở trên địa bàn TP Hà Nội bị từ chối không tiếp, đáp lại với thái độ thiếu tôn trọng hoặc bị cán bộ, lãnh đạo đơn vị trốn tránh.
Như ở xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), dù phóng viên đặt giấy giới thiệu để xin lịch phỏng vấn nhưng năm lần bảy lượt liên hệ lại vẫn không có phản hồi. Phóng viên đã liên hệ trực tiếp qua điện thoại với ông Nguyễn Huy Hoán - Chủ tịch UBND xã An Khánh nhưng vị này không nghe máy.
Sau nhiều lần gọi điện không được, phóng viên tiếp tục thử nhắn tin qua điện thoại. May mắn là sau khi nhắn tin và trao đổi sơ qua nội dung làm việc thì ông Hoán đã nhắn trả lời lại với nội dung: "Đề nghị liên hệ với ông Nguyễn Viết Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh vì đã giao cho ông này". Đến khi liên lạc được với ông Hướng để liên hệ làm việc, vị này báo bận vì đang đi ''tiếp xúc cử tri'' và cho biết sẽ gọi lại sau. Còn gọi khi nào thì cho tới giờ này vẫn chưa thấy.
Trong khi đó, từ Trung ương đến TP Hà Nội đã chỉ đạo phải cung cấp kịp thời thông tin cho báo chí để định hướng, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội nhưng có vẻ như ở xã An Khánh lại đang đi ngược định hướng này.
Trước khi phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” được phát động, UBND TP Hà Nội cũng đã chủ động ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung về kỷ cương hành chính. Tiêu biểu như 2 bộ “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”.
Lẽ nào Chủ tịch UBND xã Phú Cát và lãnh đạo xã An Khánh không nắm được nội dung của cả 2 bộ Quy tắc do UBND TP ban hành?
Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố |
Nhiều điều cần nhìn lại
Văn hóa công sở không phải những điều thuộc về bằng cấp, trình độ học vấn. Việc thực hiện phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” phải bắt đầu từ tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp của thành phố ở nơi công sở.
Muốn phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” lan tỏa rộng khắp, thiết nghĩ phải được đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, được hưởng ứng tích cực từ lãnh đạo mỗi cơ quan công sở.
Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố |
Lãnh đạo là tấm gương để cán bộ, nhân viên cơ quan nhìn vào. Khi lãnh đạo không giữ nếp ứng xử văn minh lịch sự ngay tại công sở, không điều gì đảm báo các cán bộ, nhân viên sẽ tích cực hưởng ứng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở.
Chưa kể tới, các cán bộ từ lãnh đạo cho tới nhân viên cấp thấp nhất trong cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đều mang hình ảnh của chính quyền trong lòng người dân. Mục tiêu của phong trào cũng là góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Để thực hiện mục tiêu này, xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa trong lời nói, thái độ, hành vi của các cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố chính là trọng tâm. Nếu người dân, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí không được cán bộ UBND phường, xã tại TP Hà Nội cư xử đúng chuẩn mực, liệu lòng tin đối với cơ quan Nhà nước có còn vững chắc?
Hưởng ứng phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” tưởng chỉ là biểu hiện lời ăn tiếng nói bên ngoài, là chuyện nhỏ nhưng thực chất lại ảnh hưởng rất lớn, thậm chí mang tính quyết định trong mối quan hệ giữa người dân với cơ quan công quyền.
Có hành vi ứng xử trái mục tiêu, nội dung của phong trào cũng chính là đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội. Trường hợp của Chủ tịch UBND xã Phú Cát và Chủ tịch lãnh đạo xã An Khánh được coi là những "con sâu bỏ rầu nồi canh", là mảng tối trong một phong trào đẹp đang được Hà Nội nỗ lực xây dựng.