Hà Nội hạn chế phương tiện cá nhân - Bài 2: Một cuộc cách mạng
Tuổi trẻ và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xung quanh vấn đề này.
PV: Năm 2017, Nghị quyết được HĐND thành phố Hà Nội thông qua đến năm 2030 sẽ cấm xe máy hoạt động trong nội thành. Vậy tại sao ông đưa ra quan điểm cấm xe máy càng sớm càng tốt?
Ông Vũ Văn Viện: HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 04 vào năm 2017 đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường từ năm 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đề án này có nhiều nội dung nhằm tăng cường vận tải công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông góp phần bảo vệ môi trường.
Trong nhiều giải pháp mà Nghị quyết đưa ra có giải pháp đó là phân vùng hạn chế dần hoạt động xe máy tiến tới dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030. Như vậy, không phải bây giờ mới đặt ra vấn đề này.
Ông Vũ Văn Viện (ảnh Thanh Niên).
Trước khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết, Sở Giao thông Vận tải và các ban ngành thành phố đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải tiến hành nghiên cứu. Quá trình xây dựng Nghị quyết này đã khảo sát, đánh giá kỹ với điều kiện quản lý phương tiện cá nhân của các thành phố trên thế giới và trong khu vực, tổng kết các kinh nghiệm quản lý đô thị trong đó có xe cá nhân.
Đề làm việc này, trong Nghị quyết đề ra phân vùng hạn chế hoạt động dần tiến tới dừng hoạt động xe máy. UBND TP Hà Nội có kế hoạch để triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết 04 phải xây dựng nhiều kế hoạch và đề án cụ thể.
Thứ nhất đó là phát triển đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quy hoạch, đây là một nhiệm vụ mang tính chất cơ bản để nâng cao năng lực vận tải thành phố. Thứ 2 là xây dựng đề án mở rộng phát triển vận tải hành khách công cộng trong đó có đề án phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.
Thứ 3 là xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy tiến tới dừng hoạt động xe máy vào năm 2030. Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải và đang cùng Viện Chiến lược của Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đề án này.
PV: TP Hà Nội đề ra 6 nhóm giải pháp bền vững như phát triển vận tải công cộng, hạ tầng, vậy sao không triển khai trước khi cấm xe máy?
Ông Vũ Văn Viện: Tất cả các giải pháp phải tiến hành đồng bộ trong đó có giải pháp lâu dài và trước mắt. Hiện nay, Hà Nội đang triển khai 6 nhóm giải pháp đồng bộ chứ không chỉ tập trung vào phương án dừng hoạt động xe máy.
Khi dừng hoạt động xe máy ở các quận phải có đủ các điều kiện cần thiết như quy hoạch hạ tầng giao thông hay vận tải hành khách công cộng cũng phải phát triển mức độ tương ứng. Mục tiêu cuối cùng để làm sao phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như cải thiện điều kiện sống của người dân Thủ đô.
PV: Hà Nội sẽ có lộ trình cụ thể cấm xe máy từng quận, khu vực hay là toàn thành phố? Xe ôtô sẽ bị hạn chế ra sao thưa ông?
Ông Vũ Văn Viện: Dừng hoạt động xe máy vào năm 2030 là mục tiêu nhưng để thực hiện việc này phải làm rất nhiều việc. Trong lộ trình xây dựng dừng hoạt động các quận vào năm 2030 thì sẽ dừng từng bước theo tuyến, theo khu vực và thời gian xác định để làm dần trong đó những khu vực hay tuyến đường nào phát triển đủ cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân thì sẽ dừng hoạt động xe máy.
Để thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân với phương tiện vận tải công cộng là một cuộc cách mạng. Chuyển đổi thói quen không phải đơn giản mà thực hiện đồng bộ giải pháp kinh tế, xã hội.
Trong đề án nêu rõ, không chỉ giảm phương tiện cá nhân mỗi xe máy mà kể cả ôtô. Đối tượng ôtô, giảm số lượng bằng biện pháp kinh tế như tăng phí dịch vụ đỗ xe khu vực trung tâm, thu phí vào 1 số khu vực có khả năng gây ùn tắc giao thông và 1 số loại phí khác để người dân thay đổi thói quen lựa chọn phương tiện giao thông khi tham gia giao thông.
Như vậy, có thể khẳng định không phải chỉ có hạn chế đối với phương tiện giao thông cá nhân là xe máy, mà trong Nghị quyết nêu rõ là giảm phương tiện giao thông cá nhân là cả ôtô và xe máy, chuyển thói quen sử dụng phương tiện giao thông.
PV: Thành phố có tính toán đến bước hạn chế xe đăng ký mới để tránh lãng phí cho người dân khi chỉ còn 11 năm nữa là tới thời hạn cấm xe máy?
Ông Vũ Văn Viện: Khi đưa ra lộ trình dừng hoạt động 2030, thì có các lộ trình dần dần để chuẩn bị triển khai các bước. Ngay từ bây giờ, người dân phải tính toán phương tiện hợp lý để có sự chuyển đổi. Đề án đưa ra nghiên cứu đến 1 thời điểm nhất định trước 3-5 năm dừng đăng ký xe mới đối với những khu vực dừng hoạt động xe máy. Khi đó, người dân có thể chuyển đổi cho các tỉnh, thành phố lân cận sử dụng xe máy khi bị dừng hoạt động.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, khi vận tải công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại thì người dân sẽ tự từ bỏ xe cá nhân. Ông nghĩ gì về thực tế này?
Ông Vũ Văn Viện: Năm 2030 các chỉ tiêu phải đạt được từ 35-50% nhu cầu đi lại của nhân dân ở khu vực, khoảng 80% người dân sẽ được tiếp cận với phương tiện vận tải công cộng ở khoảng cách dưới 500m. 20% còn lại có thể kết nối bằng các phương tiện khác như đi bộ, xe đạp hoặc taxi.
Thực tế tại các quận, vận tải hành khách công cộng đã phủ kín và cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Nhưng, với thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân như hiện nay, người tham gia giao thông chưa lựa chọn phương tiện vận tải hành khách công cộng chứ không phải chưa đáp ứng nhu cầu.
Trong điều kiện hiện nay, chất lượng dịch vụ xe buýt tương đối tốt, vấn đề còn lại là kết nối. Trong năm 2019 này và những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ phát triển vận tải hành khách công cộng trong đó chú trọng vào phương tiện kết nối nhu cầu đi lại của nhân dân bằng các xe buýt mini đi vào tuyến phố mặt cắt ngang nhỏ. Phương tiện vận tải hành khách công cộng không bao giờ tiện lợi bằng xe cá nhân. Người dân có thói quen đi xe máy, 100m cũng đi nên mất thói quen đi bộ.
Để thay đổi thói quen, nếp sống dần dần bỏ xe cá nhân thay thế vận tải hành khách công cộng đòi hỏi phải có sự hy sinh nhất định vì lợi ích chung.
PV: Xin cảm ơn ông...!