Chuyên đề giám sát cần bám sát thực tiễn cuộc sống
Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai "giám sát lại" |
Sáng 29/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Để hoàn thiện dự án luật, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) quan tâm đến tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát.
Theo đó, tiêu chí phải bám sát yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, của các địa phương, các vấn đề còn tồn tại lâu dài chưa được quan tâm...
Tại Khoản 36 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 60 của luật hiện hành đối với các quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, khoản 42 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 69 của dự thảo và tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, khoản 46 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 80 của Luật hiện hành, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần xem xét, quy định các tiêu chí lựa chọn cụ thể, rõ ràng, bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). |
Cụ thể, những vấn đề thực tiễn đặt ra đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển vận động của kinh tế xã hội, lựa chọn những xu hướng cần áp dụng tác động tích cực đến chính sách, vấn đề nóng, vấn đề điểm của hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết mà cử tri đặc biệt quan tâm.
Tại Điểm d, khoản 36 của Điều 1 của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 60 như sau: HĐND ra nghị quyết về chất vấn nội dung nghị quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 15 của luật này.
Theo quy định hiện hành thì HĐND có thể ra nghị quyết về chất vấn. Vấn đề này được hiểu là sau khi chất vấn nếu thấy cần thiết thì HĐND hành nghị quyết hoặc không ban hành nghị quyết. Việc quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn khi mà kỳ họp HĐND chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.
Mặt khác, công tác chuẩn bị xây dựng nghị quyết ngay trong kỳ họp sẽ không đảm bảo chất lượng và mất nhiều thời gian, tạo sự linh hoạt trong điều hành phiên họp và có rất nhiều trường hợp người bị chất vấn và trả lời chất vấn tất cả các câu hỏi của đại biểu.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình). |
Do đó, đại biểu cho rằng cần giữ nguyên như quy định của luật hiện hành. Trường hợp quy định bắt buộc phải ra nghị quyết về chất vấn như dự thảo thì cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng chính sách, lấy ý kiến và khảo sát tại các địa phương.
Cũng thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) bày tỏ tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của luật hiện hành đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp…
Về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang đổi mới tư duy xây dựng pháp luật mà đổi mới tư duy xây dựng pháp luật này yêu cầu vừa là mục tiêu, vừa là điều kiện vừa là đòi hỏi bắt buộc các lĩnh vực khác có liên quan phải cùng tham gia vào.
Theo bà Thu, Quốc hội có 3 chức năng cơ bản là xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Vậy công tác đổi mới tư duy xây dựng pháp luật thì đòi hỏi giám sát phải đổi mới theo và việc quyết định các vấn đề cơ bản của đất nước cũng phải đổi mới theo.
Do đó, đại biểu Trần Khánh Thu thống nhất lựa chọn phương án 1 trong dự thảo là bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 của Điều 3: Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.