Hà Nội giữ vững vai trò ngọn cờ đầu

Năm 2018 là dấu mốc tròn 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng để nhìn lại tiến trình phát triển của đất nước, đồng thời đánh giá toàn diện về chính sách mở cửa, thu hút FDI của Đảng, Nhà nước ta.
ha noi giu vung vai tro ngon co dau

Những kết quả đã đạt được trong chặng đường 30 năm thu hút FDI đóng vai trò như một "cú hích" tạo sự đột phá, vừa bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển, vừa khơi dậy các nguồn lực trong nước để khai thác, tận dụng các tiềm năng, lợi thế, phát triển đất nước.

Đóng góp vào những thành quả đã đạt được trong tiến trình 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thủ đô Hà Nội có vai trò như ngọn cờ đầu, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm ổn định cho người lao động tiến tới xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.

Luôn là địa phương dẫn đầu cả nước

Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ những giá trị tinh hoa lâu đời, lớn nhất của Việt Nam; là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao thương quốc tế. Hà Nội cũng là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam hiện được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế ghi nhận là điểm đến kinh doanh thành công bởi những tiềm năng và lợi thế riêng có. Sau 19 năm được UNESCO trao tặng danh hiệu thành phố vì Hòa Bình, Hà Nội vẫn được các nguyên thủ quốc gia, các nhà đầu tư, du khách ghi nhận về sự an toàn, thân thiện, mến khách. Một thành phố văn minh với hạ tầng ngày càng đổi mới, hiện đại.

Phát biểu tại sự kiện "30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới", hồi đầu tháng 10/2018 vừa qua, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Kể từ năm 1989, khi Hà Nội ghi nhận những dự án FDI đầu tiên được cấp phép đến nay, Thủ đô luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và được các doanh nghiệp FDI lựa chọn. Lợi thế của Hà Nội có đầu mối giao thông thuận lợi với sân bay quốc tế, hệ thống đường cao tốc kết nối thuận tiện với các cảng biển quốc tế, hạ tầng các khu công nghiệp hoàn thiện, sẵn sàng mặt bằng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có lực lượng lao động ở độ tuổi vàng (chiếm trên 60% lực lượng lao động), nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp... Với những lợi thế đó, Hà Nội luôn khẳng định vị trí đứng đầu của mình trong thu hút FDI. Cụ thể, lũy kế tính đến hết tháng 6/2018, trên địa bàn thành phố có khoảng 4.300 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt trên 33,380 tỷ USD. Trong đó, riêng hai năm 2016 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã thu hút được 12,460 tỷ USD, bằng 59% tổng vốn FDI đã thu hút được trong giai đoạn 1989 - 2015.

Sau 30 năm, khu vực kinh tế có vốn FDI với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ, đã góp phần đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Có thể nói, khu vực kinh tế này đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cả góc độ đóng góp cho tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, làm gia tăng tổng đầu tư xã hội, tăng trưởng GDP. Đồng thời, chính khu vực FDI đã tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng ngành, làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại sự kiện

Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại sự kiện "30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam"

Cùng với cả nước, khu vực FDI của Hà Nội đã tạo thêm việc làm ổn định và đào tạo kỹ năng cho người lao động, đồng thời tác động mạnh tới sự phát triển và sự chuyển dịch cơ cấu ngành của ba lĩnh vực quan trọng gồm: Công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp. Khu vực kinh tế này đã góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước; xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Một trong những đóng góp toàn diện của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô chính là góp phần xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại với các công trình thương mại, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các dự án FDI cũng đã đóng góp tích cực cho ngân sách thành phố với năm sau cao hơn năm trước, chiếm khoảng 12-15% so với số thu toàn thành phố.

Mô hình quản lý sau cấp phép hiệu quả

Để trở thành một trong những địa phương liên tục dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc quản lý sau cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư FDI.

Nói về công tác giám sát, kiểm tra sau cấp phép đầu tư FDI tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Thành phố đã phân công, chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật. Hàng năm, các Sở chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp với Công an thành phố, Cục Thuế và các đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch thanh, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình chấp hành các quy định về đầu tư, kinh doanh định kỳ, theo chuyên đề đối với các doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, ngày 11/5/2017, UBND thành phố cũng ban hành Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND kèm theo quy chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn”.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tại Hà Nội tham giai một cuộc triển lãm, giới thiệu sản phẩm máy móc đến với các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tại Hà Nội tham giai một cuộc triển lãm, giới thiệu sản phẩm máy móc đến với các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra sau cấp phép đầu tư, Hà Nội còn có nhiều cách làm hiệu quả trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư sau cấp phép. Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Đức Chung, thành phố Hà Nội luôn thể hiện tính tiên phong trong các hoạt động xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Sự hài lòng của doanh nghiệp, công dân được xác định là thước đo đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm lãnh đạo UBND thành phố thực hiện trên 250 cuộc làm việc với các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Cán bộ các Sở, ngành cũng được quán triệt tinh thần, thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc thông qua các buổi làm việc trực tiếp, các hội thảo, hội nghị định kỳ. Đồng thời, lãnh đạo các Sở, ngành cũng khẳng định quyết tâm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Tiếp tục phát huy vai trò, lợi thế

Thành tựu trong thu hút FDI 30 năm qua của Thành phố Hà Nội đã được khẳng định. Tuy nhiên, với Hà Nội điều quan trọng không chỉ là thu hút bao nhiêu vốn FDI mà phải phát huy hiệu quả của dòng vốn này. Thủ tục hành chính về đầu tư đã mở, thông thoáng, cho phép nhà đầu tư đăng ký dự án đầu tư dễ dàng. Vì vậy, để đảm bảo dự án được triển khai đúng các nội dung, cam kết đã đăng ký, thành phố cần tăng cường công tác quản lý dự án sau cấp phép cũng như cần hỗ trợ, tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh thành công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP. Thành phố xác định đây là nguồn lực rất quan trọng bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Hà Nội sẽ tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, thành phố sẽ chú trọng cải cách, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính; đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy với quan điểm thu gọn đầu mối quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức "kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện" để phục vụ doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, Thành phố sẽ đổi mới toàn diện công tác xúc tiến theo hướng nâng cao năng lực của cán bộ xúc tiến, phương thức thực hiện chuyên nghiệp, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các khó khăn.

Để làm tốt những nội dung trên, lãnh đạo Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị, đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện một số cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, giám sát hiệu quả các dự án sau cấp phép. Đồng thời, các Bộ ngành cần có cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong công tác cung cấp thông tin, thẩm định đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối tác nước ngoài nhằm hỗ trợ địa phương trong công tác thẩm định dự án cũng như tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn kinh tế của quốc gia.

Từ bài học về công tác quản lý sau cấp phép FDI tại Thành phố Hà Nội sẽ tạo cơ hội cho các địa phương tham khảo, học tập kinh nghiệm và thực hiện công tác quản lý sau cấp phép chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của dòng vốn FDI.

NAM TRANG
Phiên bản di động