Hà Nội chưa đón bão, dông lốc đã làm cây đổ la liệt, 1 người chết
Từ khoảng 4h30 chiều ngày 29/8, mây đen đã giăng kín bầu trời Hà Nội. Gió thổi mạnh tới mức cuốn bay cả xe Lead với người ngồi trên. Chị Yến, tác giả bức ảnh chia sẻ: "Trời nổi giận ngày cuối tháng, khiến em chết đi sống lại. Đang đi 1-2 tiếng sấm nổ inh tai, là cơn gió chắc phải giật đến cấp 12 kèm mưa to. Em nặng 60kg, kèm con xe Lead mà gió đưa em bay xa tận hơn 20m". |
Mưa lớn, gió giật gãy cây ở khu vực chùa Hà, Cầu Giấy khiến nhiều người đi đường hoảng hốt. Ảnh: Quyết Thắng |
Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy công an quận Tây Hồ thông tin một nam thanh niên 26 tuổi tử vong vào hồi 17h do một cây si lớn trên đường ven hồ Tây đổ trúng. Nạn nhân được xác định danh tính là Nguyễn Hữu Tuấn (sinh năm 1993, trú tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) |
Cây đa to trên phố Phạm Ngọc Thạch đã đổ gục sau cơn giông. |
Tại đường Trần Thái Tông, cây đổ đè trúng xe máy may người nhảy ra khỏi xe kịp. |
Chưa đón bão, dông lốc đã làm cây Hà Nội đổ la liệt |
Cây đổ ở khu vực Thụy Khuê |
Theo TS Hoàng Phúc Lâm, đặc điểm của cơn bão số 4 (Podul) là cơn bão lệch tâm nên bão dù còn ở rất xa nhưng vùng mây đối lưu đã tới đất liền mang theo mưa dông và gió giật mạnh. Trước bão số 4, dông lốc sẽ xuất hiện ở nhiều nơi do đặc thù lệch tâm này.
Do đó, ngày 29/8 cho tới tối 31/8, Bắc và Trung Trung Bộ mưa to, sau đó giảm. Thủ đô Hà Nội và Bắc Bộ mưa sau một chút nhưng kéo dài đến hết kỳ nghỉ lễ, tập trung trong ngày 31/8 và 1/9.
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều và đêm 29/8 đến ngày 02/9 ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to; Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực:
- Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị: 250-400mm;
- Thừa Thiên Huế, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ: 200-300mm;
- Khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Đà Nẵng: 100-200mm;
Cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Trên các sông suối trên lưu vực sông Hồng- Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-7m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao và lưu lượng đến hồ Hòa Bình trên sông Đà, sông Hoàng Long có khả năng đạt mức báo động (BĐ)1-BĐ2; thượng lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh lên mức BĐ2-BĐ3, hạ lưu lên mức BĐ1-BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế lên mức BĐ1-BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt là Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; Ngập lụt tại thành phố Hà Nội, các khu đô thị thuộc đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.