Giới chuyên gia nhận định khả năng đoàn tàu hạt nhân Nga sẽ lại lăn bánh

Là dấu tích của thời Chiến tranh Lạnh, giờ đây các đoàn tàu hạt nhân có thể sẽ được đưa vào hoạt động trở lại và chở đầu đạn hạt nhân đi khắp nước Nga. Động thái này có thể khiến Moskva rơi vào trạng thái đối đầu với Washington.
Chú thích ảnh
Hệ thống phóng tên lửa trên tàu hỏa của Nga đang được trưng bày tại St. Petersburg (Ảnh: JSC Russian Railways)

Thông tin này chắc chắn sẽ làm dấy lên những hoài nghi ở Mỹ, nước vốn coi dự án này là mối đe dọa với hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo bài đăng trên báo Mosckovsky Komsomolets hôm 4/1, chuyên gia quân sự đồng thời là biên tập viên của tạp chí Arsenal Otechestva (Nga) Alexey Leonkov đã chỉ ra cách mà dự án từ thời Liên Xô cũ có thể được hồi sinh.

Bài báo viết rằng việc triển khai tên lửa hành trình liên lục địa có thể là bước đi tiếp theo của Nga trong bối cảnh gia tăng căng thẳng quân sự với khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thời Liên Xô cũ, mạng lưới đường sắt chuyên chở tên lửa được phát triển nhằm mục tiêu vận chuyển đầu đạn hạt nhân đi khắp nước Nga mà không bị phát hiện bởi vệ tinh hoặc máy bay trinh thám của phương Tây. Ngược lại, các bệ phóng trên mặt đất hoặc đặt ngầm dưới lòng đất lại dễ dàng bị theo dõi và giám sát.

Chính vì lý do rất khó bị phát hiện, hệ thống này trở thành chủ đề chính cho đàm phán song phương Mỹ - Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Các loại tàu chở tên lửa này đã bị cấm sau khi Mỹ và Nga đạt được Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) vào năm 2005. Tuy nhiên, hiệp ước START mới có ít điều khoản liên quan đến tên lửa di động nên đã mở ra cơ hội cho kế hoạch này hồi sinh trở lại.

Mùa hè 2020, ông Vladimir Evseev, chuyên gia về vũ khí chiến lược và cựu sĩ quan lực lượng tên lửa Nga cho RIA Novosti biết việc triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân trên tàu hỏa có thể “là sự đáp trả hiệu quả nhất đối với mối đe dọa chiến lược đặt ra bởi sự gia tăng các căn cứ quân sự của NATO gần biên giới Nga”. Ông cho biết thêm nếu giới lãnh đạo quân sự tiếp tục thực hiện dự án này, hệ thống tên lửa có thể được hồi sinh trong vòng 3 đến 5 năm. Trước đó, báo chí đã cho biết việc triển khai đã được thực hiện, tuy nhiên các quan chức Nga cho rằng đã tạm dừng dự án từ năm 2017.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã gia tăng những nhăm gần đây liên quan đến việc Nga đặt các đầu đạn gần biên giới các nước phương Tây. Tháng 12 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo rằng “sự chia sẻ” vũ khí hạt nhân của Mỹ với các thành viên NATO sẽ làm gia tăng nguy cơ về chiến tranh hạt nhân. “Rõ ràng là điều này dẫn tới bất ổn. Ngoài ra còn làm nảy sinh các mối đe dọa mới và vi phạm Điều 1 và 2 của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”, quan chức trên nhận xét.

Vì sao cần cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân? Vì sao cần cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân?

Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua từ năm 2017 sẽ có hiệu lực vào ...

Nguồn: TTXVN
baotintuc.vn
Phiên bản di động