Giàu lên từ các sản phẩm OCOP

Với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sợi chuối, sản xuất kinh doanh giày, dép da, nhiều hộ kinh doanh tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội đã thoát nghèo và giàu lên theo thời gian. Không chỉ phát triển kinh tế, họ còn mang thương hiệu nghề truyền thống vươn ra thế giới.
Hải Dương: Phát triển sản phẩm OCOP, hướng đến xuất khẩu Hà Nội mở thêm hai điểm giới thiệu và bán 60 sản phẩm OCOP ở quận Đống Đa Đích đến của Nông thôn mới là nâng cao dân trí, chất lượng sống cho người dân

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ sợi chuối

Bảy sản phẩm: Đèn sợi chuối, tảo sái sợi chuối, túi xách sợi chuối, lọ hoa sợi chuối, thảm chân sợi chuối, giỏ đựng đồ con cú sợi chuối, cọ cốc chén sợi chuối của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) được thành phố công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Anh Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái cho biết: “Cây chuối từ lâu đã gắn bó với người dân Việt Nam nói chung và đặc biệt xã Khai Thái nói riêng, nơi có vùng nguyên liệu trồng chuối rất lớn. Dễ trồng, dễ kiếm và trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đây là sản phẩm có tiềm năng phát triển vì có thể tận dụng tối đa, ưu việt hóa những phụ phẩm của ngành trồng chuối.

Sản phẩm từ sợi chuối
Sản phẩm từ sợi chuối của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái

Hơn nữa, xu thế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa, chính là mảnh đất màu mỡ để các sản phẩm của sợi chuối đến với thị trường. Xuất phát từ ý tưởng đó, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái đã ra đời vào tháng 6/2020 - là hợp tác xã đầu tiên của Việt Nam chuyên sản xuất, chế biến thân cây chuối thành sợi để phục vụ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng”.

Từng biết đến mô hình sản xuất sợi chuối hiệu quả ở Nhật Bản, anh Đức Tuấn đã học hỏi, đầu tư trang thiết bị máy móc và chọn vùng trồng chuối Khai Thái để khởi nghiệp. Đến thời điểm này, quy mô của hợp tác xã đã mở rộng với 3 cơ sở sản xuất ở các thôn Lập Phương và Vĩnh Trung, tạo công ăn việc làm cho gần 50 người lao động.

Cây chuối sau khi thu hoạch buồng, thân chuối được thu gom về, bổ đôi, tách bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi. Phần lõi trong cùng thân chuối là phần có thể thu được sợi mềm và dẻo nhất, lớp vỏ ngoài cùng lại cho sợi cứng và dày nhất.

Qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công tại Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái, để khi kết thúc quá trình sản xuất cho ra đời những sản phẩm tinh xảo, giàu tính sáng tạo, nghệ thuật và chất lượng, dùng để làm đồ gia dụng hay trang trí đều rất tiện lợi. Hiện nay, hợp tác xã đã sản xuất đa dạng chủng loại hàng thủ công mỹ nghệ từ thân cây chuối, phục vụ nhu cầu của quý khách hàng trong và ngoài nước.

Giàu lên từ nghề “ăn da”

5 sản phẩm: Giày thể thao trẻ em, giày thể thao nam, giày công sở nam, dép trẻ em, dép da nam của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Tuấn Phong (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được thành phố Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Sản phẩm của Công ty
Sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Tuấn Phong

Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Tuấn Phong được thành lập năm 2014. Bắt đầu khởi sự doanh nghiệp với nhiều khó khăn bởi chuyển từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến phát triển công ty với quy mô rộng lớn hơn.

Tiếp nối truyền thống làng nghề Phú Yên làm da giày, dép từ lâu đời, gia đình gia đình anh Phong cùng nhau phát triển kinh tế bằng con đường sản xuất kinh doanh giày dép.

Ngày nay, xã Phú Yên giống như một khu công nghiệp thu nhỏ. Mọi công đoạn liên quan đến nghề làm giày, dép, nghề da đều được kích hoạt, không khí lao động sôi nổi, rộn ràng để cho ra những đôi giày, dép đẹp mắt nhất, phục vụ người dân sử dụng. Hiện, nghề giày, dép da ở đây đã không phải là nghề thoát nghèo nữa mà trở thành nghề làm giàu, với hàng chục tỷ phú trong xã. Những người dân ở đây cho biết, nghề của họ được gọi là nghề “ăn da”. Hộ dân nào, một năm “ăn” càng nhiều da thì càng giàu, càng giỏi. Bởi điều đó cho thấy, họ tiêu thụ được nhiều sản phẩm giày, dép ra thị trường.

Anh Nguyễn Tại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Tuấn Phong cho biết: “Trước đây chúng tôi sản xuất giày dép hoàn toàn thủ công, nay chuyển dịch sang dây chuyền công nghệ hiện đại nên buộc phải tự nâng cao trình độ tay nghề. Những người thợ giày Tuấn Phong không đơn thuần như xưa mà phải nắm bắt được công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất. Vì vậy, chúng tôi phải tích cực học tập, tiếp thu chuyển giao công nghệ, thuê chuyên gia về hướng dẫn cho công nhân...”.

Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Tuấn Phong ngoài những sản phẩm chủ lực: Giày thể thao trẻ em, giày thể thao nam, giày công sở nam, dép trẻ em, dép da nam, còn sản xuất thêm giày nữ, cùng nhiều sản phẩm về da… Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 20 nhân công và nhiều lao động thời vụ.

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động