Giá trị của việc "nhìn lại một năm đã qua"
Người trẻ tìm cách lánh nạn "giục cưới" cuối năm |
"Thông lệ" hằng năm
Dịp cuối năm là lúc nhiều nền tảng khác nhau từ mạng xã hội, video, âm nhạc bắt đầu đưa ra một bản báo cáo cá nhân cho người dùng về lịch sử, thói quen, xu hướng tìm kiếm trong năm đó. Những bản báo cáo, review một năm nhìn lại này giúp người xem kết nối lại với những điều họ đã bỏ lỡ, đồng thời nhắc nhớ về tất cả những gì đã xảy ra trong 12 tháng qua.
Trần Phương (26 tuổi, nhân viên bán hàng) cho biết tính năng cá nhân hóa này thực chất là một phần trong chiến lược tiếp thị nội dung hiệu quả của các nền tảng. Bản review của các cá nhân thường chứa đầy những số liệu thống kê thú vị, đi kèm với hình ảnh, âm thành và được trình bày một cách hấp dẫn, trực quan.
Như một thông lệ, việc "nhìn lại một năm đã qua" đã trở thành một thói quen của không ít người trẻ để ngẫm lại cả những điều tốt đẹp, vui vẻ lẫn buồn bã, không mong muốn... |
“Với tâm lý tò mò cộng với con người luôn có xu hướng thích hoài niệm, nhìn lại quá khứ, người dùng khó lòng từ chối việc xem lại mình đã làm gì trong 12 tháng đã qua. Bản thân mình là một người khá bận rộn nên việc “nhìn lại một năm đã qua” giúp cho mình hiểu được bản thân mình hơn”, Trần Phương chia sẻ.
Ở góc độ ngành nghề, các danh sách tổng hợp giúp đưa ra cho người làm trong lĩnh vực đó một cái nhìn tổng quát, xu hướng, thành công hay thất bại trong một năm hoạt động, từ đó đưa ra dự báo hoặc giải pháp trong năm tới.
Ngoài các review tổng hợp về thành tựu, dấu ấn nổi bật, cũng không thiếu các danh sách nói về những thứ bị xếp vào hạng dở tệ, gây tranh cãi hay bị coi là thất bại, "quả bom xịt"...
Xu hướng của giới trẻ
Trong góc độ công việc lẫn đời sống tình cảm, tâm lý mỗi cá nhân, bản tổng kết hàng năm cũng là điều quan trọng. Theo nhiều cuộc khảo sát, bản đánh giá “nhìn lại một năm đã qua” được thực hiện hàng năm giúp mọi người nhìn lại đã "được - mất" gì, những điều đã làm được hoặc còn chưa thực hiện xong.
Nói cách khác, chức năng của nó vừa giống một lời khen ngợi cho thành quả của năm cũ lẫn nhắc nhở rằng còn nhiều thứ cần phải cải thiện. Ngoài ra, việc "nhìn lại một năm đã qua" giúp cả cá nhân lẫn tập thể nhận thấy đâu là điều quan trọng.
Khi các phương tiện truyền thông tổng hợp danh sách những bộ phim hay nhất, các sản phẩm công nghệ được ưa chuộng nhất hay những sự kiện nổi bật nhất năm, tất yếu không phải bộ phim hay sản phẩm, sự kiện nào cũng lọt vào top. Các tiêu chí tuyển chọn làm cho danh sách có giá trị hơn.
Bằng cách suy nghĩ về những lý do khiến bạn không đạt được như mong muốn, người trẻ có thể lựa chọn quyết định xem có nên tiếp tục thực hiện lại vào năm mới hay để nó trôi qua |
“Việc “nhìn lại một năm đã qua” giúp mỗi cá nhân nhận ra điều gì là quan trọng, thứ khiến mình ghi nhớ hay tự hào nhất hoặc điều gì bạn cho là mang lại giá trị lớn nhất để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Điều đó cũng giúp chúng ta xây dựng kế hoạch cá nhân cho năm mới dựa vào “bảng đánh giá” này”, Thu Thảo (25 tuổi), một freelancer chia sẻ.
Theo Chuyên gia tư vấn tâm lý Phạm Thảo Nguyên, nhiều người thường coi quá khứ là một trở ngại cho sự đổi mới nên việc “nhìn lại một năm đã qua” đôi khi khiến họ “sợ”. Tuy nhiên, khi hiểu rõ hơn về thực tế của mình, mỗi người sẽ có thể tạo ra một kế hoạch hành động hiệu quả hơn thông qua việc trung thực với chính mình.
“Đó là lý do mỗi cá nhân nên tự review, xem lại một năm đã qua của mình và nhìn nhận bản thân đã cải thiện như thế nào trong năm qua, đồng thời thừa nhận những gì chưa làm được. Bằng cách suy nghĩ về những lý do khiến bạn không đạt được như mong muốn, bạn có thể lựa chọn quyết định xem có nên tiếp tục thực hiện lại vào năm mới hay để nó trôi qua”, chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên nhấn mạnh.